“Cảm giác cô đơn, và áp lực từ tứ phía: gia đình, người bạn đời, tài chính, nhân viên… Tại sao những người doanh nhân (entrepreneur) phải chịu đựng những điều đó trong khi họ là người can đảm vượt ra khỏi những mong cầu cho cá nhân, họ mong muốn cống hiến, đóng góp, giải quyết vấn đề ngoài vấn đề của mình?

Nhìn bát cơm rang này lại nhớ tới hành trình năm 2021, khi một mình trong căn nhà cũ của gia đình, ngày có thể ăn 3 bữa mì (hoặc 1 bữa vì bận quá), những bữa cơm rang nhanh gọn trong 15 phút, xong vất bát đĩa đó lên làm việc. 

Những ngày tháng khởi nghiệp cô đơn, khó khăn tứ phía, không biết hỏi ai, không tiền, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, chỉ có đam mê và hoài bão, khi bắt tay vào làm mới thấy mình thiếu nhiều thứ, thấy khó khăn, áp lực tứ phía…

Sáng nay mình nói chuyện với chị khách hàng, rằng, điểm yếu nhất cũng sẽ chính là điểm mạnh nhất – khi chúng ta tập trung tìm hiểu, giải quyết nó. Và đúng thế thật, từ tháng 7/2019, sau khi tiêu hết tiền công ty, sau khi thất bại, mình từng mất niềm tin vào bản thân, nhưng may mắn được những người anh/chị cố vấn đi trước chỉ cho cách đối diện với thử thách/thật bại một cách lạc quan, mình đã tìm cách vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất trong khởi nghiệp.

Trong giai đoạn đó mình nghĩ: tại sao một người doanh nhân mong muốn cống hiến giá trị cho xã hội, giúp khách hàng giải quyết vấn đề của họ lại phải chịu những khó khăn thách thức đó? Làm thế nào để vượt qua?

Mình tin rằng, những người doanh nhân xứng đáng có được hạnh phúc vì sự can đảm của chính mình, can đảm đứng ra nhận lấy một vấn đề của người khác, của xã hội, giải quyết chúng. Họ cũng xứng đáng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, khi họ chấp nhận học hỏi. Họ xứng đáng có được sự tự do về tài chính, thời gian, vì những giá trị mà họ tạo ra cho khách hàng, cho xã hội. 

Mình tin điều đó và mình đi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: làm thế nào để làm được điều đó?

Và thời điểm hiện tại, sau khi chuột bạch cho chính mình và một vài khách hàng của mình, tuy kết quả vẫn còn khiêm tốn, nhưng mình vững tin rằng bất cứ người doanh nhân nào cũng có thể vừa hạnh phúc với đam mê, vừa phát huy sở trường, vừa tạo ra giá trị xã hội và tự do thời gian, tài chính theo nhu cầu của cá nhân mình. Và quan trọng nhất: là họ được là chính mình.

Có mấy kinh nghiệm xương máu mình muốn chia sẻ với những người doanh nhân non trẻ cần lưu ý:

1. Sai lầm 1: chỉ giỏi chuyên môn, thiếu bức tranh tổng quan. Chúng ta cần có một bức tranh tổng quan khi bắt đầu làm kinh doanh. Thay vì chỉ giỏi nghề, chúng ta cần có rất nhiều kỹ năng khác cần làm chủ, cần biết như: marketing, bán hàng, thiết kế, chuyển giao sản phẩm, nhân sự, hệ thống, quy trình, văn hóa, tài chính, pháp lý, mối quan hệ, quản lý cảm xúc, tạo ảnh hưởng, đảm phán, thuyết trình, kỹ năng học, thiết lập mục tiêu – kế hoạch, tư duy chiến lược, tầm nhìn, quản lý thời gian, tối ưu hiệu suất…vv rất nhiều, rất nhiều bộ kỹ năng cần học. 

2. Sai lầm số 2: tự mình làm hết. Chúng ta cần tận dụng đòn bẩy. Có 4 loại đòn bẩy chính là: con người (mối quan hệ), tài chính, công nghệ và nội dung. Kết hợp, nhờ người khác hỗ trợ, không ai tự làm hết được, người nào nhờ được nhiều người làm cho mình nhất người đó sẽ thành công. Sử dụng tài chính làm đòn bẩy. Ứng dụng công nghệ thay cho sức người, tối ưu hóa hiệu quả và làm chủ nội dung là cách nhanh chóng trở thành những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực của mình ở thời đại hiện tại (và cả trước đó).

3. Sai lầm số 3: vội vàng đầu tư và quá tin vào bản thân mình. Tin vào bản thân mình là rất tốt, nhưng quá tin vào bản thân mình mà không lắng nghe phản hồi từ thị trường, từ những người xung quanh sẽ dẫn đến sai lầm. Nhất là khi không có thử nghiệm, mà vội vàng chơi tất tay ở ngay lần đầu tiên, nếu sai lầm khó làm lại. Nên thử nghiệm là bước vô cùng quan trọng.

4. Sai lầm số 4: thiếu tập trung. Thời buổi hiện tại việc tối ưu hóa, tập trung chuyên sâu sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn khi thông tin đã được kết nối toàn cầu. Những mảnh đất màu mỡ đều đã có những người tiên phong cắm cờ sở hữu, và thường họ sở hữu những nơi đẹp nhất, rộng rãi, thoáng đãng nhất. Cách làm phù hợp là du kích, chuyên môn hóa, tập trung vào những thị trường ngách, phù hợp với sở trường, đam mê – khi đó sẽ biến quy mô nhỏ thành 1 lợi thế bởi sự chuyên sâu, linh hoạt mà những hệ thống lớn cồng kềnh khó làm được.

5. Sai lầm số 5: thiếu cải tiến. Học và làm mới mỗi ngày, thiết kế sao cho hệ thống của chúng ta có thể tự học và làm mới, đó là bí quyết để không bao giờ dừng lại. Mỗi ngày mình dành 60 phút nghiên cứu, một tuần có thể đọc 1-2-3 (có tuần 4) cuốn sách. Luôn tập luyện cho bộ não của mình và những người trong doanh nghiệp.

6. Sai lầm số 6: không tập trung vào khách hàng. Đây là một sai lầm thường thấy, nhiều doanh nghiệp sau một thời gian phát triển nghĩ rằng mình đã hiểu đủ về thị trường, về khách hàng (Và cả những người mới). Họ tập trung vào bản thân, nói nhiều về chính mình, thay vì việc chia sẻ về những gì khách hàng sẽ nhận được khi làm việc cùng họ, họ chỉ nói về bản thân, khen ngợi chính mình, thay vì tập trung vào khách hàng.

7. Sai lầm số 7: không dành thời gian cho bản thân. Một sai lầm tiếp theo dành quá nhiều thời gian cho công việc, không có thời gian cho bản thân nghỉ ngơi, dành cho gia đình, những sở thích cá nhân khác… Đánh đổi sức khỏe, thời gian cho người thân, cho chính mình lấy công việc. Làm việc quần quật sau đó đợi già về hưu thì nghỉ ngơi, nhưng lúc đó sức khỏe không còn. Mình thích ý tưởng: nghỉ hưu ngắn hạn của Timothy Ferriss trong cuốn Tuần làm việc 4 giờ. Thay vì làm quần quật đến già, cầm một khoản tiền, sức khỏe không còn… đi tận hưởng cuộc sống. Tại sao không chi khoảng thời gian đó ra thành những quãng nghỉ hưu ngắn hạn: 3 tháng 1 lần để dành thời gian nghỉ hưu: du lịch, dành cho gia đình, làm điều mình thích. Và sau đó quay lại công việc, tràn đầy cảm hứng, năng lượng để tiếp tục. Công ty mình cứ 3 tháng anh em sẽ nghỉ 1 tuần để đi đâu đó, nghỉ ngơi.

Còn nhiều điều nữa mà mình sẽ viết thành 1 chủ đề: Những sai lầm và câu hỏi thường gặp của những người làm kinh doanh, doanh nhân.

Hôm nay trong buổi tư vấn với chị khách hàng mới, mình được dịp trò chuyện, mình có một vài suy nghĩ muốn chia sẻ với mọi người.