Hôm vừa rồi trong một buổi webinar mình gặp lại 2 người bạn, một người cách đây 6 năm gặp mình trên đường chuẩn bị ra bến xe để đi vào miền Trung (khi đó mình chính thức dừng công việc kinh doanh đồ du lịch, bắt đầu theo đuổi hành trình trở thành Travel Blogger full-time), và một cậu bạn gặp mình 2 năm trước khi mình bắt đầu hành trình chia sẻ kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm đã tích lũy của mình trong lĩnh vực: marketing du lịch.

Cả 2 người bạn đó đều ngạc nhiên về sự thay đổi của mình, mình đã chia sẻ với hai bạn và cả những người tham gia webinar hôm đó bí quyết của mình. Và ở trong nội dung này, mình cũng sẽ chia sẻ nó với bạn.

Nay facebook nhắc kỷ niệm 2 năm trước khi mới bắt đầu quyết tâm xây dựng những thói quen mới

Câu hỏi đặt ra ở đây là: “Làm thế nào mà mình/hay bất kì ai có thể tạo ra sự phát triển vượt bậc trong một khoảng thời gian ngắn?”, hay một câu hỏi khác : “Nếu chỉ được chọn 1 điều, đâu là điều quan trọng nhất trong việc việc giúp một người phát triển bản thân một cách nhanh chóng và bền vững?”

Từ khóa hiện lên ngay trong đầu mình là: có 1 hệ thống.

Nghe hệ thống có vẻ chung chung phải không? Ở trong hệ thống này có gì? Chắc chắn là có rất nhiều thứ rồi, nhưng mình sẽ chọn lấy 3 điều quan trọng nhất (20% tạo ra 80% kết quả)

  1. Có một mục tiêu rõ ràng
  2. Có một kế hoạch gồm hệ thống những thói quen/công việc hàng ngày giúp bạn phát triển
  3. Có một huấn luyện viên/người bạn/cộng đồng

1. Xác định mục tiêu: rõ ràng đích đến

Mình từng là một cậu trai nhút nhát, chẳng biết làm gì với cuộc đời mình, hết cấp 3 thì Bố Mẹ mình li dị, cuộc đời mình có lúc tưởng như không lối thoát, đã từng nghĩ đến cái chết rồi may mắn nhờ những người ân nhân mà mình tìm thấy lối ra…

Nhưng nhìn lại thì khó khăn trong cuộc sống lại là may mắn với mình, nhờ những thử thách đó trong cuộc sống mình đã sớm được sống là chính mình, theo đuổi những điều mình yêu thích từ sớm thay vì nghe theo lời của người lớn định hướng. Và may mắn tiếp theo là cuộc sống của mình thiếu hạnh phúc, nên mình chủ động đi tìm kiếm nó, gia đình mình chia tay một phần vì kinh tế nên mình cũng quyết tâm không thể để gia đình mình sống trong cảnh nghèo khó. 

Điểm mấu chốt ở đây là mìình đã: xác đinh được mong muốn ngay từ khi còn trẻ, tuy rằng mong muốn đó chưa thực sự rõ ràng nhưng nó cũng đã cho mình một mục đích sống, một hướng đi kim chỉ nam cho cuộc đời. 

Mình đã đi làm từ khá sớm, năm 3 sinh viên đã làm công việc marketing full-time khi bạn bè còn đang đi học, cơ hội đến với mình khá nhiều nhưng sau đó mình thấy cuộc sống đi làm sớm, kiếm tiền không phải thứ mình thực sự mong muốn. Và mình đã bỏ lại mọi thứ để đi trải nghiệm cuộc sống, khám phá ra xem mình: thực sự là ai, mình thực sự thích điều gì, và sống để làm gì, muốn sống cuộc đời như thế nào?

Đó lại là một may mắn nữa, khi mình quyết định giành lấy Quyền Làm Chủ Cuộc Đời Mình. Mình không phó mặc cho số phận, cho một thế lực vô hình nào đó. Mình thấy thế giới quan của mình phù hợp với Phật Giáo Nguyên Thủy, cho rằng mọi thứ trong vũ trụ này đều do nghiệp (hành động/thói quen) của mình mà ra, không có thần thánh nào quyết cả, vũ trụ này vận hành theo quy luật: Nhân – Quả.

Đến năm 30 tuổi, vì thiếu kiến thức, hiểu biết nên trong hành trình 8 năm rời khỏi vùng an toàn trải nghiệm cuộc sống mình va vấp, sai lầm, ngã nhiều. Khi nghiên cứu về sự khác nhau giữa phương pháp giáo dục của người Do Thái và người Trung Quốc (Quốc gia có nền văn hóa tương đồng Việt Nam) mình thực sự có chút nuối tiếc, dù sống theo triết lý nhân quả và hiểu rằng mình không được biết điều đó là do mình, không trách ai được, và mình vẫn còn thời gian… nhưng thực sự là mình vẫn thấy tiếc. Hơi tham lam, mình đã có trải nghiệm và kỹ năng sinh tồn độc lập, nhưng vẫn thiếu những tư duy đúng đắn ngay từ đầu, mất nhiều thời gian trải nghiệm và sửa… 

Bạn và mình cũng có thể tự động viên rằng :”Thì cũng có những trải nghiệm”, nhưng nhìn lại những trải nghiệm mà mình có, đôi khi mình cũng thấy hơi mệt mỏi rồi, và cảm xúc đó khiến mình không muốn những người khác xung quanh phải gặp phải. Nên nó thôi thúc mình chia sẻ điều này, biết sớm thì vẫn hơn và cũng không có gì là quá muộn phải không?

Tóm lại: yếu tố đầu tiên giúp mình phát triển và sẽ còn tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa đó là: có 1 mục tiêu, mục đích sống rõ ràng. Hãy trả lời những câu hỏi sau: giả sử/tưởng tượng khó khăn thách thức bây giờ của bạn không còn nữa, điểm yếu của bạn cũng đã được cải thiện, hãy hình dung:

  • Đến lúc chết bạn trở thành người như thế nào? Bạn đã sống cuộc đời như thế nào?
  • 3 năm – 10 năm – hay 20 năm nữa bạn đang làm gì và ở đâu?
  • Và hãy hỏi tiếp là: làm thế nào để bạn đạt được kết quả đó, liệt kê ra ít nhất 20 câu trả lời là những hành động chi tiết bạn có thể thực hiện để đạt được mục tiêu mà bạn đề ra. 
  • Bạn cũng cần hiểu rõ mình là ai? => Tham khảo bài tập test tính cách, 
  • Mình thích gì? Điều gì thực sự phù hợp với bạn => tham khảo về IKIGAI

Câu hỏi này mình học được từ Brian Tracy, mình nhớ lúc đó mình thực sự bế tắc, ngồi trong góc nhà và không tìm thấy lối ra cho sự nghiệp, nợ nần, sức khỏe, trông mình trong gương thật dặt dẹo, yếu ớt. Khởi nghiệp lại lần 2, gặp Covid19, không có tiền, con nhỏ, phải ở nhờ gia đình nhà ngoại…

Và quyết định lúc đó của mình là: phải thay đổi, không thể sống như thế này được! Mình đã làm bài tập này và rất rõ ràng về điều mình mong muốn, đó hình như là lần đầu tiên mình nhắm mắt và tưởng tượng (thiết kế) một cuộc sống mà mình mơ ước. Sự rõ ràng đã tạo ra sức mạnh giúp mình thay đổi. Và mình đã lao vào học tập, rèn luyện. 

2. Bộ công cụ, hệ thống giúp mình phát triển

Sau khi có mục tiêu, mục đích rõ ràng, mình lên kế hoạch. Mình thắc mắc tại sao cũng là con người mà có người thành công hơn, hạnh phúc hơn người khác, có người lại không? 

Tạm bỏ qua quan điểm về nhân quả, tạm bỏ qua quá khứ đã qua không thể thay đổi. Làm thế nào để một người có thể phát triển trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ? Xin thứ lỗi nếu bạn không muốn phát triển thành phiên bản tốt nhất của bạn, điều đó không sai đâu, chỉ là mỗi người một lựa chọn. Mình thích khám phá, thích trải nghiệm nên muốn trải nghiệm xem phiên bản tốt nhất của mình thì sẽ như thế nào..

Câu trả lời mình tìm kiếm ra là: một kế hoạch rõ ràng. Một kế hoạch giúp chúng ta đạt được mục tiêu mong muốn của mình. Kiên định, kiên trì, và đôi khi là ám ảnh với điều đó giúp mình đạt được mục tiêu mà mình mong muốn. 

Nếu bạn là người cân bằng, bạn không thích cái gì thái quá, bạn cứ là mình nhé. Mình cũng từng sống không có kế hoạch, trôi theo cảm xúc, và cũng đã sống có một kế hoạch – mình nhận thấy việc có kế hoạch giúp mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, tập trung hơn, và vẫn sáng tạo bình thường, năng lượng vẫn tràn đầy, vì sáng tạo và năng lượng đến từ việc mình làm điều mình yêu thích, làm những thứ khiến mình vui vẻ – thì mình đã xác định ngay bước 1 là sống đúng IKIGAI rồi.

Trong kế hoạch, mình thấy có 1 điểm quan trọng đó là: hệ thống thói quen. 

Điều gì tạo ra kết quả? Đó là hành động.

Điều gì quyết định cách chúng ta hành động? Thói quen tạo ra hành động và cách chúng ta Suy nghĩ cũng quyết định cách chúng ta hành động.

Điều gì tạo ra thói quen? Cách hành động lặp đi lặp lại.

Điều gì tạo ra suy nghĩ? 

Tham khảo câu trả lời của ChatGPT về điều tạo ra suy nghĩ.

Tại sao cũng là con người nhưng những người như Elon Musk, Tổng thống Donald Trump, Phạm Nhật Vượng…vv hay một cá nhân xuất sắc nào đó có thể tạo ra nhiều thành quả hơn người khác?

Chắc chắn là do giáo dục, sự khác nhau giữa một người làm thuê và người làm chủ là do giáo dục. Sự khác biệt giữa một người kinh doanh giỏi và kinh doanh thất bại cũng là kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm…vv (một phần lớn tới từ giáo dục). 

Và mình nghiên cứu sâu hơn, mình tìm cách tối ưu hiệu suất công việc và cuộc sống, mình nhận thấy rằng: những người thành công họ tập trung vào những điều quan trọng, họ không làm tất cả mọi thứ mà tập trung vào 20% những việc quan trọng nhất và làm nó (nghiên cứu cuốn Nguyên lý 80/20). Thậm chí 20% của 20% của 20% – tức là 1 điều quan trọng duy nhất (nghiên cứu cuốn The 1 thing – điều ý nghĩa nhất).

Khác biệt bắt nguồn từ cách tư duy? 

Hai người cùng xuất phát điểm giống nhau, nhưng cách nghĩ, cách nhìn nhận vấn đề, những mục tiêu khác nhau sẽ dẫn họ đến những nơi khác nhau. Gặp cùng một vấn đề những cách giải quyết khác nhau sẽ tạo ra kết quả khác nhau.

Một hệ thống tư duy, đó là điều mình cần nâng cấp. 

Và bên cạnh đó là một hệ thống về các hành động có thể thay đổi tư duy, đó là thứ mình cần học. Mình tò mò muốn biết những người thành công họ làm gì hàng ngày, họ có lướt facebook, có xem tiktok, có ăn uống vô tội vạ, nhậu nhẹt triền miên? Cũng có, nhưng hầu hết là không.

Họ học cách sử dụng thời gian hiệu quả, điều này có thể thấy ở người Do Thái, họ được học cách quản lý thời gian ngay từ khi còn nhỏ, biết cách lên kế hoạch, ưu tiên những điều quan trọng – đó là một trong những lý do họ rất thành công.

Và mình đã có một quyết định may mắn khác là tìm kiếm người Thầy giúp mình đạt được mục tiêu nhanh chóng hơn. Mình đã đăng ký một khóa học phát triển kinh doanh thông tin (nghề tư vấn, cố vấn) và phát triển bản thân, người Thầy ấy có những gì mình đang cần trong giai đoạn đó: anh ấy có hệ thống.

Anh ấy có một hệ thống để mình biết cách đóng gói kiến thức và bán nó.

Anh ấy có một hệ thống thói quen để mình học hỏi.

Mình không phải mất thời gian mày mò nữa, mình nhanh chóng lĩnh hội được hệ thống thói quen. Trong quá trình đó mình đã được mentor của mình gợi mở cho những cuốn sách khai mở tư duy của mình, cung cấp những hệ thống (mà anh cũng học từ những người thầy đã thành công khác), và mình trải nghiệm thử luôn – một cách nhiệt tình, sau đó mình thấy có những thứ thích hợp, có những thứ không, và ở đây là một vài thứ mình thấy nó có kết quả, mình sẽ chia sẻ với bạn, nhưng việc bạn dùng nó ra kết quả hay không là tùy ở bạn:

3. Nguyên lý 80/20 & The 1 thing: nguyên lý tối ưu hiệu suất

  • Nguyên lý Pareto đặt theo tên gọi của một nhà kinh tế học người Ý, ông Pareto. Ông quan sát và thấy rằng 80% của cải của một quốc gia nằm trong tay 20% số lượng dân số, vào trong 80% số tiền của những người giàu nhất nằm trong tay 20% đứng đầu, và cứ thế tìm ra 20% của 20% của 20% sẽ ra một người giàu nhất.
  • Nguyên lý này không chỉ ứng dụng trong tài chính, nó còn ứng dụng trong mọi thứ: 20% công việc bạn làm hàng ngày sẽ tạo ra 80% kết quả, và 80% công việc còn lại chỉ tạo ra 20% kết quả. 
  • Ở đây, việc cần làm là tìm ra 20% công việc quan trọng để làm hàng ngày, giúp bạn tạo ra 80% kết quả và tập trung vào nó. 
  • Bạn cũng sẽ hỏi : “Thế còn 20% kết quả còn lại thì sao?”. Bạn có thể: bỏ không làm nó, cũng có thể hợp tác với người khác để họ giúp bạn làm việc đó (lý tưởng nhất đó là người giỏi mảng đó), hay cũng có người sẽ quyết tâm tự làm hoặc bỏ tiền ra để làm.
  • Mình ứng dụng như sau: trong công việc kinh doanh mình sẽ tìm ra công việc quan trọng nhất và tập trung làm nó hàng ngày. 
  • Mình hay hỏi điều gì là quan trọng nhất, nếu làm điều này thì những thứ khác sẽ trở nên dễ dàng hơn hoặc không còn quan trọng nữa?

Cải thiện mắt xích yếu nhất

Trong quá trình phát triển bạn sẽ gặp tình trạng là muốn làm nhiều thứ cùng 1 lúc, nhưng bạn thấy quá tải, và bị rối rắm và không biết bắt đầu từ đâu.

Hãy bình tĩnh và ngồi xuống tìm ra đâu là “mắt xích yếu nhất của mình” và tập trung cải thiện 1 điều đó.
Mỗi giai đoạn chúng ta sẽ có những mắt xích yếu khác nhau, sai lầm mà mình đã mắc phải nhiều năm qua là muốn quá nhiều trong 1 thời điểm.

4. Công thức 90/90/1

  •  Và công thức tiếp theo có liên quan đến nguyên lý 80/20 hay The 1 thing là: 90/90/1. Trong 90 ngày liên tiếp bạn dành ra 90 phút để làm 1 việc quan trọng nhất, điều này giúp bạn thực hiện được 80% công việc quan trọng chỉ với một khoảng thời gian ngắn ngủi, thời gian còn lại bạn có thể làm các công việc khác ít quan trọng hơn. 
  • Ví dụ như mình: dành thời gian 90/90/1 để viết ebook, đóng gói nội dung. Cũng có lúc 90/90/1 của mình là ngồi và nghiên cứu sản phẩm để cải tiến. Cũng có lúc là tập trung xây dựng hệ thống khóa học…vv
  • Mỗi thời điểm khác nhau sẽ có những ưu tiên khác nhau.

5. Dành 60 phút mỗi ngày cho việc học, đọc sách

Một trong những bí quyết quan trọng nhất cho việc phát triển nhanh của mình là mình dành thời gian đọc sách, nghe sách nói mỗi ngày. Mình không học trong trường đại học, mình học ngoài cuộc sống và mình tự xây dựng trường đại học cá nhân của mình. Có lẽ vì không học đại học lại là một may mắn, mình có thời gian được tập trung cho những điều mình yêu thích từ sớm: đó là marketing, du lịch, viết nội dung, kinh doanh, phát triển bản thân.

Về việc đọc mình có bài viết chia sẻ cách đọc sách nhanh, quý 2 năm ngoái mình đọc gần hai mươi mấy gần ba mươi cuốn sách. Mình xác định thời gian đó phải nỗ lực cật lực để phát triển nên không ngần ngại học. Và mình xác định việc học là việc làm cả đời, lặng lẽ học, hồi đầu mình cũng không thích học từ sách vở đâu, mình thích học từ cuộc sống, nhưng khi trải nghiệm ngoài xã hội rồi mình thấy trong sách cũng có những thông tin, kiến thức rất thực tiễn được đúc kết lại từ người khác – mình có thể tham khảo, lĩnh hội được những tư tưởng, tầm nhìn, phương pháp, hay có thêm góc nhìn về nhiều lĩnh vực khác nhau.

Mình cũng không tiếc tiền cho việc tham gia các khóa học, vài trăm nghìn, vài triệu thì quyết không cần phải suy nghĩ nhiều. Mình thích học online, vì khi học online mình có thể X2 tốc độ nội dung, học nhanh hơn.

Mình học theo sơ đồ chữ T, tức là đâm rất sâu vào chuyên môn nhưng cũng mở rộng ra các lĩnh vực khác để có cái nhìn bao quát, liên kết thông tin với nhau, cách làm đó giúp mình sáng tạo hơn.

6. Công thức 20/20/20

Mình học công thức này trong cuốn “5AM – Làm chủ bình minh sống đời xuất chúng” của Robin Sharma, một chuyên gia về huấn luyện hiệu suất, phát triển bản thân từng cố vấn cho nhiều lãnh đạo trên thế giới.

Dành 20 phút đầu ngày (có thể nhiều hơn) khi thức dậy tập thể dục, giúp bạn đổ mồ hôi, não bộ tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh trong não như Endorphin (tạo cảm giác sảng khoái, phấn khởi), Serotonin (cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, lo lắng, tăng cường cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn) và Dopamine (điều chỉnh tâm lý, khả năng tập trung, học tập và hưởng thụ). 

Dành 20 phút tiếp theo để dành cho bản thân: bạn có thể đọc sách, thiền, ngắm nhìn thiên nhiên, làm vườn…  Mình thường đọc sách, cũng có khi mình ngồi thiền, cũng có khi ngồi nhìn cây cối – không cố định.

Dành 20 phút tiếp theo cho việc: viết lại mục tiêu, lên kế hoạch một ngày, ưu tiên những việc quan trọng hoàn thành trước (phần này là một trong những thói quen trẻ em Do Thái được dạy trong gia đình ngay từ khi còn nhỏ). Việc lên kế hoạch sẽ giúp bạn tập trung, tìm ra công việc quan trọng nhất (the 1 thing) hay ưu tiên cho những việc quan trọng (20% tạo ra 80%).

Cách bạn bắt đầu ngày mới rất quan trọng.

7. Tập thể dục mỗi ngày

Mình đã nói tới các lợi ích của việc tập thể dục mỗi ngày ở bên trên, cuộc đời của mình thay đổi từ khi mình quyết định tập thể dục, lúc đó mình 22 tuổi. Khi tập thể dục tinh thần mình lạc quan, phấn khởi hơn, mình tự tin hơn, dám thử thách mình nhiều hơn. Giờ 10 năm rồi, mình không thể chịu đựng được nếu một tuần không tập, lúc đó mình sẽ cảm thấy người không có sức sống, chán nản… vì mình đã quen với việc tập tành rồi. 

Tập thể dục giúp mình có năng lượng tốt. Và trong cuốn sách 5AM còn gợi ý tập 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, vì sau một ngày dài làm việc căng thẳng, cơ thể và tâm trí chúng ta mệt mỏi cần tập luyện để lấy lại năng lượng tích cực và dành nó cho người thân yêu (thay vì mang một khuôn mặt phờ phạc, thân xác mệt mỏi về nhà – thì hãy  mang một khuôn mặt rãng rỡ, lấm tấm mồ hôi, năng lượng tích cực dành tặng người thân yêu. Nói đến đây mình phải đi tập thể dục đây).

Một thông tin nữa là người Việt Nam mình rất lười vận động, chỉ có 10% người Việt Nam mình tập thể dục thôi. Hãy tưởng tượng xem, bạn tập thể dục thôi là đã vào nhóm 10% hiếm có của Việt Nam rồi đấy!

8. Phân chia thời gian khoa học

Sáng cho bản thân, hệ thống, trưa cho khác hàng, tối dành cho gia đình – đó là cách mình sắp xếp một ngày làm việc. Hơn một tháng nay mình dành thời gian làm tối nhiều hơn vì giai đoạn này công ty mình đang có nhiều việc, cũng đang trong giai đoạn mở rộng nên mình mới làm muộn, có hôm làm tới sáng.

Nhưng thời gian biểu lý tưởng của mình, cố định, sẽ không thay đổi là: dậy vào 5 giờ sáng, kết thúc công việc 5h chiều, tối dành cho gia đình, 9h30 – 10h tối đi ngủ, muộn nhất là 11h.

Trước đây mình làm việc vô tội vạ, cứ nghĩ rằng mình bận, khởi nghiệp phải hy sinh, nhưng sau này mới biết là có một định luật tên là Parkinson, đinh luật này chỉ ra rằng : “Nếu bạn chỉ có 1h bạn cũng sẽ làm xong một công việc nào đó, nhưng nếu cho bạn 10h thì công việc cũng sẽ giãn nở để hết 10h đó”. 

Mình ứng dụng trong phân chia thời gian như sau, mình chia buổi sáng ra để cho bản thân và cho việc phát triển doanh nghiệp, mình không thay đổi lịch này, vì sự phát triển của công ty là không ngừng, mình liên tục cải tiến nó.

Chiều mình chỉ còn một khoảng thời gian nhất định, mình sẽ tự phải tìm cách phân chia thời gian sao cho hợp lý để kết thúc lúc 5h chiều và đi đón con. Lúc đầu mình sợ không có thời gian làm việc, khởi nghiệp đang ít thời gian rồi, nhưng sau đó mình nhận thấy là càng ít thời gian mình càng động não tìm cách nhiều hơn và có những phương án sáng tạo hơn. Thật thú vị. 

Phân chia thời gian như thế mình có thể làm tốt được cả 3 vai trò: CEO một doanh nghiệp, đối tác của khách hàng và ông bố. Cũng có thời gian cho sức khỏe, điều đó giúp mình có thể cân bằng cuộc sống. Tuy nhiên như mình nói thì mình cũng có những giai đoạn cần phải ưu tiên cho công việc, làm tới tận sáng, nhưng mình xác định nó chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định và chủ động quay trở lại giờ giấc sinh hoạt ngay khi hàn thành.

Mình ấn tượng với câu chuyện về cách sắp đặt những viên đá vào trong chiếc lọ của Stephen Covey, ông ấy lấy ví dụ bạn có một chiếc lọ, và những viên đá to tượng trưng cho công việc quan trọng, dài hạn – đá vừa là những việc ít quan trọng hơn – và những viên đá nhỏ li ti nhất tượng trưng cho việc không thực sự quan trọng.

Khi sắp xếp quản lý thời gian, nếu chọn đổ những viên đá nhỏ vào bạn sẽ không còn chỗ cho những việc quan trọng. Thay vào đó, bạn cho những viên đá lớn vào trước (có thể là gia đình, có thể là một công việc quan trọng trong ngày, hay sức khỏe…vv), sau đó bạn cho tiếp những viên đá vừa và cuối cùng khoảng trống còn lại bạn đổ nốt những viên đá nhỏ li ti lấp đầy khoảng trống còn lại. 

Mình rất thích cách làm này, và với mình: gia đình, sức khỏe, học tập, xây dựng hệ thống, tư vấn cho khách hàng là viên đá lớn – những việc còn lại không quan trọng mình sẽ xếp sau (ví dụ: bạn bè rủ đi cafe chém gió với mình là việc nhỏ li ti, ưu tiên xếp sau). Và khi sử dụng phần mềm quản lý lịch (Calendar), mình sắp xếp những việc quan trọng đầu tiên trước, sau đó chỗ còn lại sẽ dành cho những việc kém quan trọng hơn. Mọi thứ đã ngắn nắp đâu vào đó hơn rất nhiều so với mình của 2 năm trước.

9. Viết nhật ký mỗi ngày

Có một thói quen tích cực mà mình thường làm trước khi đi ngủ là viết nhật ký, viết ra những cảm xúc của ngày hôm đó và viết lại 5 chiến thắng (công việc nhỏ) mình đã hoàn thành, 10 điều mình biết ơn, cũng có thể ghi luôn ra công việc sẽ làm vào ngày mai.

Việc ghi ra 5 chiến thắng nhỏ giúp mình tổng kết lại một ngày  “Ồ! Hôm nay làm được nhiều việc hơn mình nghĩ”. Và 10 điều biết ơn giúp mình thấy bình an trước khi khép lại một ngày.

10. Thiền

Mình biết tới thiền từ hồi học cấp 2, lúc đó thấy ông bà ngoại thiền mình cũng tập theo nhưng không duy trì thường xuyên, và mình cũng lên thiền viện tập thiền cùng các thầy một vài lần, nhưng thú thực là chưa xây dựng được thói quen thiền nhiều hơn mỗi ngày. 

Mình tranh thủ lúc nghỉ ngơi thư giãn, ngồi trên ghế, nhắm mắt, hít thở, cũng có lúc mình thiền đi để tập sức tỉnh thức. Bạn có thể tìm thấy nhiều bài thiền phi tôn giáo để học và ứng dụng trên youtube.

11. Có một cộng đồng cùng phát triển

Một điều mà mình đã trải nghiệm là sức mạnh của sự cộng hưởng, khi mình muốn làm điều gì đó nhưng chỉ có một mình đòi hỏi nỗ lực, nội lực lớn, không có đồng đội khi bắt đầu sẽ khó khăn hơn bạn có một nhóm bạn, nhất là những người đã làm được điều bạn làm… kết bạn facebook cùng họ, vào các nhóm đó, giao lưu với họ, thấy họ thường xuyên, cùng lập hội rèn luyện thói quen chung sẽ giúp mình có động lực từ người khác.

Tầm này năm 2021 khi quyết định tập luyện mình đã lập một hội những người tập thể dục, và cùng nhau tập mỗi ngày rèn luyện thói quen, ai không tập sẽ phải nộp một khoản tiền vào quỹ để ủng hộ quỹ học trò nghèo. Nhiều hôm mình mệt mỏi, nhưng nhờ nhìn thấy ảnh người khác chia sẻ đang tập mình có thêm động lực. 

Mình nhớ có một câu “hãy cho tôi biết 5 người bạn hay giao du, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai”, hay “Nuôi dạy một đứa trẻ cần cả một ngôi làng” – yếu tố môi trường, cộng đồng quyết định rất lớn tới niềm tin và cách chúng ta suy nghĩ. Lời khuyên của mình là khuyên bạn hãy chọn một cộng đồng có những người chung tư duy, chung mục tiêu và cộng hưởng cùng họ, bạn sẽ có thêm nhiều sức mạnh thay vì làm một mình.

Bạn có thể join cộng đồng Thói quen thành đạt để cùng nhau rèn luyện thói quen nhé!

12. Công thức 21/42/60

Công thức 21/42/60 là công thức giúp bạn xây dựng thói quen, theo nghiên cứu nào đó mình không có nguồn – 21 ngày đầu sẽ giúp bạn hình thành thói quen, 42 ngày tiếp theo thói quen mới được hình thành và sau 60 ngày thói quen đó trở thành lối sống của bạn.

21 ngày đầu là khó khăn nhất.

42 ngày sau đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực vì giai đoạn này thói quen cũ thay đổi bởi thói quen mới.

Sau 42 ngày mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Mình nhớ 2 năm trước, khi bắt đầu xây dựng thói quen đầu tiên là chạy bộ “Ôi! Mình nghĩ không biết bao giờ mới chạy được 60 ngày đây? Thế mà giờ 2 năm rồi mình tập luyện thường xuyên, tới giờ thì tập thể dục đã trở thành lối sống của mình. Với mình đó là một may mắn.

13. Tìm một người cố vấn, huấn luyện viên

Để rút ngắn thời gian, bạn nên tìm cho mình một người mentor/coach/teacher – là người đã đạt được kết quả mà bạn mong muốn, xin họ/hoặc trả tiền cho họ chỉ bảo cho bạn. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Thay vì việc tự mày mò, bạn đến và nhờ một chuyên gia và họ sẽ giúp bạn tiết kiệm 1 năm – 3 năm – 5 năm – 10 năm và đôi khi là thay đổi cả cuộc đời bạn.

Chắc chắn mình không có ngày hôm nay nếu không có những người thầy, người cố vấn. Và mục tiêu của mình là: mỗi khía cạnh trong cuộc sống mình sẽ tìm cho mình những người thầy, cố vấn – là người có thứ mình cần, có hệ giá trị tương đồng và nhờ họ/xin họ/trả tiền cho họ để giúp mình rút ngắn thời gian.

Hãy nhớ rằng: thời gian mất đi không thể lấy lại, tiền bạc có thể làm ra.

Người tiền quan trọng hơn thời gian, thì người đó là người làm thuê.

Người thời gian quan trọng hơn tiền, thì đó là người làm chủ, và người đầu tư.

14. Công cụ đo lường

“Cái gì đo lường được thì cải tiến được” – đây là câu nói mình rất ấn tượng, khi trải nghiệm thực tế, mình tải 1 app theo dõi thói quen hàng ngày, làm được gì thì tick vào, và đúng là nhìn kết quả con số mình mới thấy bức tranh tổng quát. 

Khi thực hiện được đều đặn mình thấy thật vui, hào hứng, phấn khởi (não tiết ra hooc môn hanh phúc khi hoàn thành điều gì đó).

Khi thấy mình bỏ bê cũng có cảnh báo để điều chỉnh. Bạn có thể tìm các app tên “Habit Tracking” trên điện thoại rất nhiều. Hoặc bạn cũng có thể tải file excel này để sử dụng

15. Chia sẻ, phụng sự

“Thế giới này là thế giới của người cho đi” một người mentor của mình đã nói như vậy. Mình tin vào triết lý nhân quả, và điều này đã đúng khi mình viết blog du lịch, làm công ty hiện tại – mình hào phóng chia sẻ những gì mình biết, mình xây dựng được một kênh blog từ đó giúp mình tạo ra tiền.

16. Ăn thuần thực vật và giữ 5 giới của Đạo Phật

  • Không giết hại động vật => rèn luyện tình yêu thương với muôn loài.
  • Không trộm cắp, lấy của mà người khác không cho => rèn luyện tính thật thà.
  • Không nói dối => lời nói có trọng lượng.
  • Không tà dâm (quan hệ bất chính với người có gia đình) => gia đình yên ấm.
  • Không uống rượu, bia, chất kích thích => có sự tỉnh táo, minh mẫn.

Như đã nói ở trên, mình tin vào thuyết nhân quả và mình đã may mắn rèn luyện được 1 trong 5 thói quen sống đạo đúc của Đạo Phật, đặc biệt là việc ăn thuần thực vật, ăn thuần thực vật giúp tâm trí mình sáng suốt, bình an hơn. Và mình vẫn đang tiếp tục trải nghiệm, thực hành để biến những thói quen này thành một phần của cuộc sống.

17. Giúp đỡ người khác, chia sẻ, cho đi vô điều kiện

Cũng vẫn là quy luật nhân quả, mình tin việc chia sẻ, trao đi vô điều kiện là mình đang gieo những nhân lành, ắt một ngày nào đó (không cần mong chờ) mình sẽ hái những quả ngọt.

18. Có ít nhất 1 ngày nghỉ mỗi tuần

Trước đây mình làm cả Chủ Nhật, mình nghĩ rằng thời gian không có, phải tranh thủ, phải cố gắng, nhưng sau khi đọc, nghiên cứu mình mới nhận ra cơ thể như một cỗ máy, và nó cần phải được nghỉ ngơi thì mới tái tạo được năng lượng.

Có năng lượng tốt mới làm việc hiệu quả, nên mình dành thời gian ít nhất 1 ngày/tuần để nghỉ, và chủ động nghỉ sau 3 tháng một đợt dài.

Chủ động đi massage, tắm bồn, chăm sóc sức khỏe…vv

Uống Vitamin dạng viên nén, hoặc nước ép hoa quả để bổ sung dinh dưỡng hàng ngày.

19. Chủ động làm nhiều hơn những gì được trả

Mình luôn chủ động trao giá trị cho khách hàng nhiều hơn, cập nhật, bổ sung, không ngần ngại. Khách hàng cũ luôn nhận được những thứ mới, tới từ thói quen 60 phút học tập mỗi ngày. Khách hàng không gặp mình một thời gian ngắn cũng sẽ thấy sự khác biệt.

Mình luôn nâng cấp làm mới bản thân.

Sản phẩm luôn nâng cấp.

Và trao nhiều giá trị hơn tới khách hàng, cộng đồng.

Lực đà, quán tính

Ở trên mình có chia sẻ rằng nếu bạn mới bắt đầu thì chỉ nên thực hiện từng thói quen 1 mà thôi, sau đó chinh phục tiếp tục những thói quen khác. Vì khi mới bắt đầu ý chí, nghị lực, kỷ luật của chúng ta thường chưa mạnh.

Chinh phục từng thói quen một, duy trì đều đặn sẽ tạo ra lực đà, tưởng tượng như bạn đạp xe, thời điểm ban đầu để chiếc xe lăn bánh bạn cần rất nhiều lực, nhưng khi chiếc xe đó đi được một đoạn có lực đà (quán tính) rồi thì bánh xe cứ thế quay, bạn chỉ việc tác động một lực rất nhỏ thôi chiếc xe vẫn cứ bon bon trên đường với tốc độ cao.

Và lưu ý là mình vẫn cần phải đạp xe thì xe mới quay, tương tự vậy, thói quen vẫn cần phải thực hiện, nếu dừng lại một thời gian rất dễ phải bắt đầu lại từ đầu, lúc này sẽ lại tốn sức để khởi động, nhưng cũng đừng lo lắng vì khi bạn thực hiện được rồi là ý chí bạn mạnh hơn nhiều rồi.

Mình làm được rồi, mình có NIỀM TIN, mà có NIỀM TIN là đã 50% chiến thắng rồi.

Công cụ quản lý thời gian bổ sung

  • Câu chuyện sắp xếp thời gian: viên đá nhỏ và viên đá to
  • Tracking thời gian: bạn có thể sử dụng bản theo dõi thời gian ở đây để xem thời gian một ngày của mình đã đi về đâu, đang làm công việc hiệu suất thấp hay cao, sau một tuần theo dõi bạn sẽ điều chỉnh lại hợp lý. Tải file theo dõi thời gian tại đây
  • Tập trung vào công việc hiệu suất cao, Ủy quyền việc hiệu suất thấp và trung bình: bạn có thể ủy quyền cho người khác những công việc có hiệu suất thấp, để tập trung vào công việc hiệu suất cao (là những việc quan trọng, hoặc những việc chỉ có bạn không ai có thể thay thế)
  • Sử dụng thiết bị tốt: ví dụ một chiếc laptop Macbook có tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với một chiếc máy tính window cũ, điều đó có nghĩa rằng nó sẽ giúp tốc độ xử lý công việc của bạn tăng lên nhiều lần. Hãy sử dụng thiết bị tốt, công cụ tốt cho công việc của mình.

Những cuốn sách tối ưu hiệu suất bạn có thể đọc

  • The 1 thing – điều ý nghĩa nhất
  • Nguyên lý 80/20
  • Làm chủ bình minh, sống đời xuất chúng

Đọc xong 3 cuốn này bạn sẽ có một góc nhìn khác về việc tối ưu hiệu suất. Hầu hết những gì mình chia sẻ ở trên đều đến từ 3 cuốn sách này (và mình đã trải nghiệm tất cả chúng, ứng dụng nó 2 năm nay)

Sai lầm cần tránh khi xây dựng thói quen

  • Cố gắng làm quá nhiều cùng 1 thời điểm và thất bại, sau đó nản lòng
  • Không đo lường
  • Quá cứng nhắc

Quy trình làm chủ hệ thống thói quen

  • Bước 1: chọn ra 1 thói quen và làm chủ nó => từ đó bạn sẽ tạo ra động lực để dễ dàng xây dựng thói quen tiếp theo. Bạn có thể bắt đầu thật dễ, ví dụ: chạy bộ hoặc thiền 5-10 phút mỗi ngày khi bắt đầu thay vì ngay lập tức chạy và thiền 30 phút.
  • Bước 2: tăng thêm dần
  • Bước 3: tiếp tục tăng lên
  • Lưu ý về lực đà: khi bạn bước từng bước chậm, chắc chắn, bạn tạo ra bánh đà và điều đó giúp bạn vươn xa.

Sau khi chia sẻ xong những phần này mình cảm thấy nhẹ nhõm vì đã làm được việc mà mình mong chờ thời gian qua, ứng dụng những gì đã biết vào cuộc sống, chuột bạch trên chính bản thân mình và chia sẻ nó với bạn.

Chúc bạn có thể tìm thấy những thông tin hữu ích và ứng dụng nó vào trong cuộc sống của mình. Bạn có thể join cộng đồng Thói quen thành đạt, thời gian tới mình sẽ triển khai lại hoạt động của cộng đồng này, để cùng nhau rèn luyện thói quen bạn nhé!