Không biết bạn đã bao giờ rơi vào hoàn cảnh này chưa :”Đến cuối năm và bạn nhìn thấy trên newfeed facebook của mình tràn ngập những thông tin, bạn bè khoe tổng kết cuối năm, họ đã làm được bao nhiêu việc, có đứa thì khoe học bổng, có đứa bạn thì khoe nhà, khoe xe, khoe các thành tựu trong năm vừa rồi…

Và bạn thấy mình… không làm được gì to tát đáng kể trong năm vừa qua… bạn cảm thấy buồn, hụt hẫng… và có thể bạn cũng từng tự trách bản thân mình, phán xét chính mình rằng :”Ôi mình đã láng phí mất một năm, mình chẳng được cái tích sự gì…”… hoặc một kiểu nào đó nhẹ nhàng hơn thế?

Nếu đó là bạn thì mình cũng từng trải qua điều đó, nhất là những giai đoạn mông lung, lạc lối, không có đinh hướng rõ ràng. Cảm giác lúc đó thật khó chịu, mình cảm thấy chán chường, cảm thấy bế tắc, nhiều lúc cảm thấy buồn, hụt hơi, hối tiếc… toàn là cảm xúc tiêu cực…

Mình không biết điều gì đã giúp mình có đủ sức mạnh để vượt qua nữa, nhưng mình đã vượt qua, và không hiểu sao mình rất mong muốn chia sẻ với những người đã từng ở hoàn cảnh như mình, nên hôm nay mình viết một bài này chia sẻ với bạn.

Mỗi chúng ta đều là một cá thể riêng biệt, gần đây mình đọc một cuốn sách có tên là Giao Tiếp Bất Bạo Động, tác giả có viết 1 chương tên là “Các loại giao tiếp gây cản trở lòng trắc ẩn”, trong chương đó tác giả nói rằng nhiều người lớn lên trong môi trường không có thói quen giao tiếp khơi dậy lòng trắc ẩn, họ không biết cách biểu đạt cảm xúc, nhu cầu, mong muốn của mình… không chia sẻ được dẫn đến việc không được đáp ứng nhu cầu, đó là nguyên nhân dẫn đến xung đột, mâu thuẫn, tổn thương ở bên trong chính người đó và những mối quan hệ xung quanh.

4 loại giao tiếp gây cản trở lòng trắc ẩn, gây tổn thương cho bản thân và người khác:

1. Phán xét đạo đức: phán xét người khác bằng hệ giá trị quy chiếu của chính mình. Đánh giá người không giống mình là tồi tệ hay sai trái.

2. So sánh: so sánh mình với người khác.

3. Chối bỏ trách nhiệm với cảm xúc, suy nghĩ và cách hành xử của mình. Nôm na là không chịu trách nhiệm mà đổ lỗi cho hoàn cảnh. Trong Phật Giáo có dạy rằng :”Chỉ thấy lỗi mình, không thấy lỗi người” – có lẽ cũng cùng với ý rằng :”Mỗi chúng ta chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình”. Chúng ta phải nhận trách nhiệm, sau đó học cách làm bạn, làm chủ chúng.

4. Nói ra điều mình muốn dưới dạng mệnh lệnh: tạo cho người nghe cảm giác bị đổ lỗi hoặc trừng phạt nếu không làm theo.

Trong 4 loại giao tiếp gây tổn thương tới chính mình và những người xung quanh thì so sánh, phán xét là điều chúng ta thường thấy, nhất là trên môi trường internet. Và đặc biệt là trong dịp cuối năm này, bạn sẽ thấy mọi người chia sẻ thành tựu 1 năm qua, và bạn có thể chưa có gì nổi bật để chia sẻ…

Nếu bạn như thế thì mong bạn hãy dừng lại hoạt động phán xét, dừng lại hoạt động so sánh, vì mỗi chúng ta như những bông hoa vừa khác giống, vừa khác môi trường nên chu kỳ lớn lên, nở hoa, lụi tàn khác nhau.

Bạn có thể làm bài tập sau:

1. Lấy giấy và bút ngồi một không gian yên tĩnh

2. Viết ra giấy 10 điều tích cực mà bạn đã làm trong năm qua, không phán xét đó là lớn hay nhỏ, không so sánh với người khác, mà mình nghĩ nếu có so sánh thì hãy so sánh với mình ngày hôm qua.

3. Bạn cũng có thể viết ra giấy 10 mục tiêu mà bạn muốn đạt được trong năm tới (viết ra mục tiêu sẽ giúp bạn tập trung, không bị xao lãng, và nếu được thì hãy viết lại mục tiêu mỗi ngày – điều này giúp bạn tập trung).

Mình tin là sau khi viết ra bạn sẽ thấy :”Ồ! 1 năm qua của mình cũng không tệ!”. Bài tập này mình làm cùng 1 bạn khách hàng của mình, rõ ràng năm qua bạn ấy đã làm được rất nhiều việc nhưng chỉ vì một tháng cuối năm bạn ấy bận cho việc làm lễ ăn hỏi, đội ngũ ốm… các bạn ấy không làm được nhiều (như các tháng trước) nên các bạn ấy cảm thấy tụt mood, năng lượng tiêu cực, có thể các bạn ấy đã phán xét bản thân và song sánh mình với người khác…

Sau khi ngồi cùng mình làm xong bài này các bạn ấy thấy tự tin hơn hẳn. Nó làm mình nhớ tới câu nói cũng trong cuốn sách Giao Tiếp Bất Bạo Động là: “Người ta đau khổ không phải vì sự việc xảy ra, mà vì cách nhìn của họ về sự việc đó – Epictetus”.

Trí lý phải không nào?

Nếu tiện bạn có thể chia sẻ 1 hoặc 10 điều bạn làm được trong năm vừa rồi ở đây nhé! Và nhớ là chúng mình sẽ không phán xét, không so sánh với nhau, chỉ chúc mừng nhau thôi nhé!

Nay hoặc mai mình sẽ upload bài 10 chiến thắng (bản thân) nho nhỏ của mình trong năm 2022 ❤