Tri thức có phải sức mạnh không?

Không hẳn! Với tôi tri thức phải được ứng dụng mới tạo ra sức mạnh!

Điều gì khiến tôi nói như vậy?

Trong hơn 3 năm làm trong nghề chia sẻ, cố vấn, hỗ trợ, tôi thấy những người nhìn nhận ra vấn đề và chủ động tìm cách giải quyết không có nhiều, nhưng những người tìm cách giải quyết rồi, thì khả năng hành động/ứng dụng kiến thức vào thực tiễn khác nhau cũng dẫn đến kết quả khác nhau.

Người nào có khả năng ứng dụng, hành động nhanh, quyết liệt thì họ đều đã và đang có những thành tựu nhất định rồi.

Tôi thấy giá trị của kiến thức (thông tin) càng ngày càng rẻ, tôi biết có những người đang chia sẻ những thứ mà trước kia chúng ta phải trả rất nhiều tiền để có, mentor của tôi chia sẻ kiến thức mà trước đây nhiều người phải bỏ ra $5000 – $15.000 để học và sẽ càng ngày càng có nhiều người làm điều đó.

Nhưng điều đó lại dẫn đến một tình huống: chúng ta bị quá tải, lạc lối trong mớ thông tin mà mình có.

Và lại tạo ra một vấn đề mới: chúng ta cần người giúp mình định hướng, ứng dụng thông tin (kiến thức) đó vào cuộc sống và tạo ra kết quả.

Tôi thấy rõ ràng, những người tôi đã từng biết và làm việc: ai có khả năng hành động (làm) nhanh, tốt, người đó dễ thành công hơn những người (giống tôi trước đây): trì hoãn, cầu toàn, nghĩ nhiều, nói nhiều làm ít.

Tôi cũng đã từng như thế, đến khi có người nói với tôi là “nói nhiều, nhưng làm ít”, thì tôi lặng lẽ treo trên hình điện thoại một câu để tự nhắc nhở bản thân :”Don’t tell to people your plans, show them your results”.

Tôi nhớ trong buổi học của anh Nguyễn Phúc Quang Ngọc, anh chia sẻ về một người mà nhiều người ở Việt Nam biết, đó là anh Phạm Thành Long, anh Ngọc kể là anh Phạm Thành Long học lớp của anh, trong lớp học, người chia sẻ trên bục nói, ở dưới anh ấy ghi chép rất nhiều và làm gì là làm được luôn. Làm điên cuồng. Làm ngày đêm.

Và kết quả thì ai cũng thấy, cho dù bị chửi nhiều, ném đá nhiều, nhưng không thể phủ nhận anh Phạm Thành Long là một diễn giả thành công ở hiện tại.

Có một sự thực thật phũ phàng nữa là :”Mọi người không quý con ong, mọi người chỉ quý mật” – đó là một câu trong bài rap “Một triệu năm” của Đen Vâu.

Ý tôi muốn nói là :”Hầu hết mọi người chỉ quan tâm tới kết quả, mọi người không để ý tới quá trình tạo ra kết quả đó”.

Không phải ai cũng có thói quen quan sát sâu vào cả một quá trình, vào người gieo hạt, vào công chăm bón…

Quay trở về với việc ứng dụng tri thức và tạo ra sức mạnh.

Chúng ta có thể biết nhiều, có nhiều ý tưởng, kế hoạch to lớn, vĩ đại, nhưng nó chỉ là “giấc mơ”, là ảo tưởng nếu không bắt tay vào thực hiện.

Ai không muốn có được kết quả tốt?

Ai không muốn không phải trả giá gì nhiều mà vẫn có được những điều tốt đẹp?

Tôi cá là phần đông sẽ muốn như vậy…

Nhưng thật khó.

Hôm rồi trong cộng đồng digital marketing du lịch, một anh bạn tôi ở Đà Nẵng nhắn tin báo tin vui, anh ấy chỉ tham gia mấy buổi học miễn phí mà tôi tổ chức, nhưng anh ấy thực sự khác biệt.

Tôi quen anh ấy từ 2017, tâm thái của anh khi làm mọi thứ rất khác biệt, anh luôn coi mình là người làm chủ, kể cả khi anh đi làm thuê ở một công ty khác, anh cũng luôn chủ động tìm kiếm giải pháp để giải quyết vấn đề, chủ động làm tốt hơn.

Anh nhắn tôi là :”Anh phụ trách kinh doanh ở công ty, trên có sếp anh, nhưng anh thấy marketing công ty có vấn đề nên anh muốn học để giải quyết”. Wow! Một con người tuyệt vời, tôi tin rằng phẩm chất đó sẽ đưa anh đi rất xa.

Sáng nay đi cắt tóc, tôi nói với cậu em cắt tóc 24 tuổi là :”Anh ấn tượng nhất ở em vì thái độ của em khác với nhiều người khác, anh cắt ở hệ thống này 6 năm rồi, nhưng ít người như em, em làm rất tâm huyết, em không phải làm cho xong, em chịu khó trò chuyện với khách hàng nữa!”

Đó là điều tôi muốn nói: sự chủ động, chủ động làm chủ cuộc chơi của mình, chủ động học, chủ động làm.

Với chủ để tri thức, việc học mà không hành thì thành mọt sách.

Bác Hồ nói :”Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy. Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích.”

Đức Phật cũng có một đoạn nói về chủ đề này :”Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật. Như kẻ chăn bò người, không phần sa môn hạnh”.

Theo tôi hiểu là dù bạn có thông thuộc kinh điển (biết nhiều), nhưng bạn không làm theo, bạn không ứng dụng vào trong chính cuộc sống của bạn, thì bạn cũng như là người đi chăn bò cho nhà người khác, bạn không có thành tựu gì cho mình.

Tóm lại là: làm đi, hành động đi Việt Anh ơi! Làm làm làm! Học đến đâu, hành đến đó.

Một tip nhỏ để bắt đầu rèn luyện khả năng thực hành là: khi học cái gì, đọc cái tôi thường rút ra 1-3 điều có thể ứng dụng ngay, xong bắt tay làm luôn, không cần ghi nhớ nhiều, ít thôi, nhưng làm tới đâu là ngấm vào người tới đó, với tôi điều đó tốt hơn là đưa nhiều thông tin vào đầu xong qúa tải, không xử lý nổi, rối, không chuyển hóa được, thành ra thông tin.

Nhân tiện thì ngoài anh bạn ở Đà Nẵng, khách hàng nào của chúng tôi đạt được thành tựu cũng đều là người có khả năng: biến suy nghĩ, thông tin, lời nói thành hành động rất cao.

Chúc bạn ứng dụng được những kiến thức vào thực tế.

Trần Việt Anh

Founder 10X Tourism Business & Wonderful Vietnam.