2 bài học quan trọng giúp tôi làm được nhiều thứ và nâng cao được thu nhập sau 4 năm khởi nghiệp

Bài học đầu tiên: hoàn thành thay vì hoàn hảo

Bản thân tôi đã mắc phải một sai lầm lớn khi làm kinh doanh (nhất là giai đoạn khởi nghiệp) là cầu toàn.

Khi khởi nghiệp công ty đầu tiên, tôi phải mất hơn 1 năm trời để có thể run được ý tưởng của mình sau khi thử nghiệm. Sau đó công ty hết tiền. Sai hướng. Tôi mất hết niềm tin vào chính bản thân mình.

Tôi đã mất gần 1 năm nữa để đứng dậy sau vấp ngã. Vẫn may là còn gặp được những người chỉ cho mình thấy những điểm mù của mình là: thất bại là đương nhiên, là một phần tất yếu, là một thứ mà đáng lẽ ra các em phải sưu tập nó khi còn trẻ (tư duy đó đã biến tôi từ một gã trắng tay, âm tiền trở thành một người giàu có, giàu trải nghiệm).

Tuy nhiên sai lầm ở đó là: tôi đã tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc để thử nghiệm những ý tưởng của mình.

Phiên bản đầu tiên của Airbnb và phiên bản hiện tại

Tôi dần từ bỏ thói quen cầu toàn của mình bằng cách hoàn thành thay vì hoàn hào:

+ Tôi tổ chức khóa học khi chưa hoàn hảo: cứ làm rồi cải tiến, quan trọng là bắt đầu

+ Thay vì làm 1 video quảng cáo phải đầu media, đủ thứ, tôi làm bằng AI, ghép ảnh, thế mà nó vẫn hiệu quả đến ngạc nhiên

+ Muốn triển khai cái gì đó, tôi làm luôn, làm thử ngay với một nguồn lực nhỏ và nhanh chóng nhận về phản hồi (từ thị trường), rút ra bài học và điều chỉnh.

Dân digital marketing có một lợi thế là, tôi có thể mang ý tưởng của mình lên internet, chạy thử quảng cáo, 2 triệu, 10 triệu, 20 triệu, thị trường sẽ phản hồi cho tôi ngay là ý tưởng của tôi có thực sự hay ho như tôi nghĩ hay không, content của tôi có chất lượng như tôi tin và hướng đi của tôi đã thực sự đúng đắn hay chưa.

Làm, nhận phản hồi, điều chỉnh, làm, nhận phản hồi, điều chỉnh. Đó còn được gọi là mô hình khởi nghiệp tinh gọn.

Tôi thấy nhiều khách hàng của mình đang rơi vào hoàn cảnh giống mình, họ trì hoãn, muốn làm một thứ gì đó tốt đẹp ngay từ đầu.

Thực sự thì đẹp đến như hoa hậu, họ cũng có những ngày không đẹp cơ mà? Có ai sinh ra ngay lập tức là đã trở thành người tài giỏi? Có bao nhiêu người bắt đầu làm lần đầu tiên đã thanh công ngay?

Xác xuất là rất thấp.

“Mặc kệ nó, cứ làm đi” – đó là tên cuốn sách của tỷ phú người Anh Richard Branson. Giai đoạn khởi nghiệp công ty thứ 2, tôi lấy câu này làm nguồn cảm hứng để làm.

Ở thung lũng Silicon, nơi đó cũng nổi tiếng với văn hóa: làm nhanh, sai nhanh, sửa nhanh.

Bài học tôi rút ra là: làm thật nhanh thay vì trì hoãn.

Bạn có thể thấy website của Airbnb, khi bắt đầu cũng chỉ là một trang web rất đơn sơ, một trang blog thì đúng hơn, nhưng giờ là công ty tỷ đô. Có những hoa hậu bắt đầu như thế.

Phiên bản Facebook năm 2004

Bài học số 2: muốn phát triển vượt bậc thì cần nâng cao tiêu chuẩn

Có nhiều bạn làm việc với tôi nói rằng :”Làm việc với anh Việt Anh áp lực”. Tôi công nhận, tôi làm việc ngày đêm và có thể các bạn không theo kịp cường độ đó.

Trong đầu lúc nào cũng có thể nói về công việc. Tôi có một cậu cộng sự về media, là người tôi học được của cậu ấy rất nhiều, hai anh em đi với nhau nằm nói chuyện đến 2h sáng, 4h30 sáng anh em dậy đi quay đến tối, không kêu than.

Cậu ấy cũng là một trong những người mà tôi ấn tượng nhất trong những người tôi từng làm việc, một người tiêu chuẩn cao, hay mọi người thường nói là: khó tính.

Mấy người giỏi, họ đều như thế thì phải.

Anh tôi, một doanh nhân nhiều nhiều nhiều củ tỏi, khi gọi tôi lên khách sạn chỗ anh ở để chỉ dạy, gọi lúc 20h30 tối và yêu cầu 21h30 phải có mặt vì anh say rồi, muốn ngủ sớm và yêu cầu một số thứ đặc biệt, tôi phải chuẩn bị, xoay xở thế nào thì tùy.

Khi chạy lên, tôi muộn 1 lát vì người giao đồ cho mình đến muộn, nhưng anh vẫn bảo :”Bình thường lên đây là tốt rồi, chuẩn bị đồ là tốt rồi, nhưng nếu đúng tiêu chuẩn thì những buổi như này phải gọi thêm 1 đĩa hoa quả”.

Tôi ngớ người, lúc đó nghĩ… mình lên đến đây, xoay xở thế là tốt lắm rồi, nhưng về sau thì, cứ anh gọi, kể cả nửa đêm tôi vẫn sẽ xoay xở và lúc đến sẽ chuẩn bị những món mà anh thích.

Qua bài học đó, tôi nâng cao được tiêu chuẩn của mình.

Trong giải pháp của mình, tôi cũng chọn một thứ khó để làm, sau đó rèn luyện để đạt đến đó.

Nhưng tôi cũng lưu ý mình rằng: cần nói và làm tiêu chuẩn cao, đồng nhất, chứ nói mà không làm được, yêu cầu người khác làm trong khi mình không làm thì vô lý, không phục.

Tóm lại, bài học mà tôi học được là

+ Tiêu chuẩn/mục tiêu có thể cao, nhưng khi cứ bắt đầu, không cầu toàn và cải tiến dần (nếu ngay từ khi xuất phát đã có tiêu chuẩn cao rồi thì khỏi nói, quá xịn)

+ Tiêu chuẩn cao, không đạt được thì chấp nhận, hài lòng, nhưng không buông xuôi hay bỏ cuộc, làm lại, làm tốt hơn ở lần sau!

+ Tập trung vào điều quan trọng nhất, tập trung vào 20% tạo ra 80% kết quả, đạt được phần đó trước, sau đó nếu tiêu chuẩn cao và kĩ tính thì làm cho đủ 100% – quá tuyệt, nhưng nguồn lực không đủ thì 8 điểm còn tốt hơn là không có gì, hoặc trì hoãn quá lâu.

+ Linh hoạt! Linh hoạt! Linh hoạt!

+ Làm đi, nghĩ ít thôi, nói ít thôi!

Khi nào cầu toàn tôi lại xem phiên bản Facebook và Airbnb những ngày đầu tiên để lấy cảm hứng.