Mình là một người thích học hỏi và tò mò với cuộc sống… Mình đã dành mấy năm thời thanh xuân đi để học hỏi từ cuộc sống, chính xác là ném mình ra ngoài đường để trải nghiệm… để manh mẽ hơn… để trưởng thành… và để trả lời câu hỏi “Mình là ai? Sinh ra để làm gì?”

Giờ nhìn lại hành trình đó thành công có, sai lầm có, vấp ngã có, tổn thương có, hạnh phúc có, niềm vui có…

Có những lúc cũng thử trải nghiệm nổi tiếng, 23 – 24 tuổi chưa trải sự đời… được báo chí cất cánh lên mây… rồi ngậm ngùi nhận ra truyền thông là con dao 2 lưỡi, nó đưa mình lên nhưng mình không hiểu biết thì nó làm cả cái Tôi của mình cũng lớn lên… rồi từ đó dẫn tới đủ thứ chuyện rắc rối trên đời…

Nhưng nhìn lại thì mình thấy trải nghiệm của mình cũng có ích, khi mình có thể chia sẻ nó với những người khác, đặc biệt là các bạn trẻ.

Mình chợt nghĩ ra ý tưởng là 10 năm qua mình đã học được rất nhiều bài học, đâu là 10 bài học quan trọng nhất?

Nếu quay trở lại 10 năm trước, mình sẽ nói với mình của ngày đó điều gì?

Và ý tưởng của bài viết này là viết cho chính mình của 10 năm trước một lá thư…

“Viết cho mình ngày xưa

Chàng trai thân mến,

Tôi viết lá thư này cho cậu, tôi nhớ rằng mình đã từng rất hoang mang, lạc lối vào lứa tuổi 17 – 18 – 20 – 22 – 25 – cho tới tận 29, 30… và tôi muốn viết lá thư này cho cậu, để chia sẻ với cậu một vài bài học mà tôi đã học từ những trải nghiệm trên hành trình sống… Ước mong cậu sẽ cảm thấy bình tâm hơn trên con đường cậu đang đi…

1. Chủ động làm chủ cuộc đời mình!

Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ với cậu là: tôi đã trải nghiệm và nhận ra rằng mình chính là người làm chủ cuộc đời mình, tôi đã từng không nhận trách nhiệm với chính mình, tôi đổ lỗi, tôi trách móc, tôi than thân trách phận…

Tôi không nhớ là trải nghiệm nào đã khiến tôi lựa chọn làm chủ cuộc đời mình và tự tay thiết kế một cuộc sống như mình mong muốn – nhưng tôi nhớ rằng hầu hết những ước mơ của tôi đều trở thành hiện thực. Nó là một điều kỳ diệu? Là phép màu ư?

Tôi đã trải nghiệm rằng vũ trụ này vận hành theo quy luật nhân quả và chúng ta là người nắm quyền quyết định cuộc đời của mình sẽ đi về đâu.

Tôi đã trải nghiệm rằng mọi thứ đều bắt đầu từ chính suy nghĩ của mình: tôi mong muốn điều gì, tôi khao khát điều gì, tôi tin vào điều gì, tôi nghĩ về điều gì, tôi nói điều gì, tôi hành động như thế nào thì tôi sẽ thu hút những điều đó – người đó đến với tôi. Và chỉ cần tôi kiên trì với suy nghĩ, niềm tin, hành động đó – mọi thứ sẽ trở thành sự thực.

Mọi người cũng gọi đó là luật hấp dẫn, quy luật nhân – quả của tự nhiên.

Thay đổi suy nghĩ, thay đổi cuộc đời, đó là điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ với cậu. Hãy để ý suy nghĩ, niềm tin, tính cách, hiểu biết, trí tuệ của mình – những thứ đó sẽ tạo ra cảm xúc, tạo ra hành động phản ứng, tạo ra lời nói, tạo ra những hạt giống (nhân)… và chúng (tạo ra quả) làm nên cuộc đời cậu đó chàng trai.

Tôi trải nghiệm thấy rằng mọi thứ bắt đầu từ suy nghĩ, và tôi ý thức rằng việc tôi cần làm là: thanh lọc tâm trí, thanh lọc ý thức của mình, hướng nó về những điều mang tần số năng lượng cao (hay còn gọi là tích cực). Cậu có thể xem sơ đồ về Năng lượng bên dưới của Tiến sĩ, bác sĩ tâm thần, nhà nghiên cứu nhận thức  giảng viên tâm linh nổi tiếng người Mỹ, ông David R.Hawkins (1927–2012) – ông đã đo lại tần số năng lượng tương ứng với các trạng thái cảm xúc của con người.

Cậu có thể xem tần số năng lượng ở đây, nó được đo bởi một nhà khoa học người Mỹ.

Không biết cậu có suy nghĩ gì khi nhìn thấy bức ảnh này? Vì tò mò với cuộc sống nên tôi cũng thích tìm hiểu về tâm linh, cách vũ trụ vận hành. Và tôi trải nghiệm rằng: tần số năng lượng liên quan tới cảm xúc, cách chúng ta suy nghĩ và phản ứng về một sự việc xảy ra trong cuộc sống. Và tôi có quyền lựa chọn mình sẽ phản ứng ra sao với suy nghĩ, cảm xúc, sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Tôi ý thức mình là người làm chủ và tôi cần phải có trách nhiệm đối với cuộc đời mình.

Va đây là lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Bắt đầu từ “ý (suy nghĩ) thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau”…

Khi đọc những lời trên từ Kinh Pháp Cú – một tập kinh ghi lại lời dạy của Đức Phật tôi thấy từ 2500 trước Đức Phật cũng đã nói về điều này, và cho đến ngày nay mọi người vẫn đang nói đến điều này: suy nghĩ (ý) của chúng ta tạo ra cuộc đời của chúng ta.

Suy nghĩ chúng ta thanh tịnh thì cuộc sống của chúng ta bình an, hạnh phúc sẽ đi theo. Nhưng với suy nghĩ ô nhiễm thì đau khổ sẽ bên cạnh ta như xe theo vật kéo… Trí Tuệ của Đức Phật thật đơn giản mà thâm sâu vô cùng.

Làm thế nào để sống với ý thanh tịnh? Như thế nào là ý ô nhiễm?

Ý ô nhiễm theo lời dạy của Đức Phật là: tham lam (tiền tài, danh vọng, sắc dục), sân (nóng giân), si (si mê), mạn (kiêu mạn), nghi (nghi ngờ)… mọi thứ bắt đầu từ ham muốn, chúng ta ham muốn ăn ngon, mặc đẹp, sắc dục, tiền tài, danh vọng, nhà lầu xe hơi… mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn không sai, không sai ở chỗ chúng ta dính mắc vào điều đó, chúng ta coi nó là “của ta” và khi mất đi chúng ta cảm thấy sợ hãi, lo lắng, tức giận… và Đức Phật gọi trạng thái đó là KHỔ.

Cậu có thể thấy những trạng thái cảm xúc đó là năng lượng vón cục, nó gây tổn hại tới tâm trí và cơ thể của chúng ta qua nghiên cứu của Tiến sĩ Hawkin.

Cậu vẫn có thể ăn ngon, mặc đẹp, vẫn có thể có nhà lầu, xe hơi, danh vọng…vv nhưng cậu không bị bám chấp vào nó. Nó có mất đi cậu cũng hiểu nó là lẽ tự nhiên là mọi thứ trong đời này đều: đến và đi, sinh ra – mất đi, cậu chấp nhận sự thật đó và cậu không trống lại, cậu thuận theo lẽ tự nhiên đó, cậu sẽ không còn KHỔ nữa.

Cậu có thể làm việc, có thể có mục tiêu, làm hết mình sau đó thì không mong chờ kết quả không?

Ở cuối lá thư này có một vài hành động đạo đức giúp cho một người bình thường có thể sống một cuộc sống bình an, cậu chờ đọc nhé.

2. Vượt ra khỏi vùng an toàn

Tôi đã nhiều lần thoát ra khỏi vùng an toàn của mình để những trải nghiệm mới mẻ, và tôi thấy đó là những quyết định sáng suốt. Dù khi đó tôi có lo lắng, có sợ hãi… nhưng nhìn lại thì những lần vượt ra khỏi vùng an toàn đều là những quyết định mang tính bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi.

Lần đầu tiên là tôi rời Hải Phòng đi Hà Nội học. Đi học thì trốn học đi làm. Sau đó đến tuổi đi làm thì nghỉ công việc full-time đi xuyên Việt. Đi xuyên Đông Nam Á. Viết blog du lịch. Khởi nghiệp kinh doanh. Sáng lập các dự án… Tất cả những trải nghiệm đó đều khiến cuộc đời tôi trở nên thú vị hơn.

Tôi từng làm một bài tập của Diễn giả Ruby Nguyễn – chị ấy nói rằng hãy vẽ một vòng tròn và ghi trong đó những thứ gì bạn đang có. Sau đó ghi ra bên ngoài những thứ bạn muốn có và để có điều đó bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình.

Một bài tập thật sâu sắc, trí tuệ phải không nào?

Trong 10 năm qua, tôi đã có những lần nào bước ra khỏi vùng an toàn của mình?

Lần đầu tiên là năm 2013 tôi đi xuyên Việt lần đầu bằng xe máy, sau đó ở lại Thành phố Hồ Chí Minh trong 3-4 tháng, bán nước mía vỉa hè, trứng cút lộn, xôi gà… và tối đến ra Bùi Viện gặp gỡ những người bạn mới cùng các anh… anh Lâm, anh Quynh…

Lần tiếp theo là 2014 khi tôi quyết định nghỉ việc full-time ở 1 start-up giáo dục của TOPICA với mức lương và môi trường tốt để về kinh doanh online và sau đó đi xuyên Việt bằng xe đạp.

Lần tiếp theo nữa là 2015 khi tôi quyết định đi xuyên Đông Nam Á.

Và lần tiếp theo nữa tôi quyết định mở kinh doanh online.

Tôi quyết định dừng công việc kinh doanh để đi làm travel blogger full-time.

Tôi quyết định nhảy xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, bơi sông, gây quỹ từ thiện, tổ chức các hoạt động xã hội…

… và bước lên trước để làm người sáng lập và leader của các dự án đó…

Tôi khởi nghiệp công ty đầu tiên…

Tôi hẹn hò một cô gái mà tôi thích…

Tôi khởi nghiệp lại sau thất bại…

Tôi cố gắng tìm cách để sống với đam mê, làm công việc mình yêu thích…

Và giờ đây là hành trình chia sẻ, cố vấn giúp mọi người làm công việc digital marketing, kinh doanh, khởi nghiệp và phát triển bản thân…

Tôi thấy tự hào về mình vì đã can đảm bước những bước chân đầu tiên trên những hành trình mà tôi không biết rằng ở phía sau đó có điều gì đang chờ mình…. Tôi mong cậu cũng vậy, cũng sẽ can đảm chiến thắng nỗi sợ.

Thực tế sợ hãi chỉ là một trạng thái cảm xúc, sợ thất bại, sợ mất đi tình yêu thương, sợ tổn thương – đó là những nỗi sợ hãi cơ bản được hình thành từ ngày còn bé. Chúng chỉ là cảm xúc, chỉ là thói quen và tôi nhận ra mình hoàn toàn có thể thay đổi nó.

Ví dụ: cùng là một hành trình, nhưng tôi quyết định: mình sẽ chiến thắng nỗi sợ! Mình sẽ không bỏ cuộc dù bất kể thế nào. Mình chắc chắn sẽ hoàn thành nó – và tôi sẽ tìm mọi cách để đi đến đích.

Nhưng cũng là hành trình đó, tôi cũng có thể lo lắng, sợ hãi, không dám bước đi, tôi nghĩ mình không làm được đâu, mình sợ thất bại lắm, nhỡ may thế này, nhỡ may thế kia – tôi cũng sẽ tìm mọi cách để trì hoãn hành động đó.

3. Dám nghĩ, dám làm

Tôi ban đầu cũng là một chàng trai nhút nhát, e sợ mọi thứ, thậm chí nghi ngờ cả về sự tử tế và lòng tốt của mọi người…

Nhưng sau đó tôi bắt đầu thực hiện từng thứ một, từng mục tiêu, ước mơ nhỏ được thực hiện và sự tự tin bên trong tôi tăng lên…

Thực tế thì không có điều gì to tát cả, cứ từng bước một, từng chút một bước đi…

Ở đây là có một bài học mà tôi rất muốn chia sẻ với cậu :”Sức mạnh của quán tính”.

Tưởng tượng là cậu vừa nhảy lên một chiếc xe đạp, khi để chiếc xe lăn bánh cậu sẽ phải lấy đà, dùng nhiều lực tác động lên chiếc pedan khiến chiếc xe chuyển động. Giai đoạn đầu cậu sẽ phải dùng nhiều sức để xe đi được và tăng tốc, nhưng khi xe đã đi được một đoạn sẽ tạo ra “quán tính” và cậu không cần phải tác động nhiều lực nữa nhưng xe vẫn bon bon.

Áp dụng trong việc dám nghĩ, dám làm, hay xây dựng thói quen tích cực cũng tương tự như vậy: ban đầu bao giờ cũng mất công sức, nhưng cậu chỉ cần duy trì đều, đến một thời gian sẽ tạo ra quán tính (lực đà) và cậu sẽ tự tin hơn (mạnh hơn) giải quyết mọi thứ dễ dàng hơn.

4. Xác định rõ ràng mục đích sống và mục tiêu

Cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi khi tôi tự hỏi :”Mục đích của cuộc sống là gì? Mình là ai? Mình sinh ra để làm gì?” – và tôi lên đường để tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó. Không biết bạn có bao giờ hỏi những câu hỏi đó?

Tôi đã trải nghiệm và tìm ra một bài tập rất đơn giản giúp tôi tự thiết kế được tấm bản đồ lộ trình của cuộc đời mình. Cậu có thể lấy giấy bút hoặc máy tính để bắt đầu trả lời câu hỏi này ngay bây giờ:

1) Bắt đầu bằng việc hình dung lại xem tôi đã có những điều gì trong cuộc sống? Tôi là ai hôm nay? Tôi đã có những thành tựu gì? Điều gì đã đưa tôi đến đây hôm nay?

2) Xác định xem 5 năm nữa, nếu mọi khó khăn, thách thức, điểm yếu của tôi đều được giải quyết thì tôi sẽ trở thành người như thế nào? Tôi muốn trở thành người như thế nào? Học vấn ra sao? Hiểu biết? Trí Tuệ? Tính cách? Tôi sống cùng ai? Ở đâu? Trong căn nhà như thế nào? Tôi làm gì khi đó, có còn làm công việc hiện tại không? Tôi có bao nhiêu tiền? Chiếc xe tôi đi là gì?

Câu hỏi này đã thực sự thay đổi sự nghiệp của tôi, nó giúp tôi nhìn ra rõ ràng chi tiết mục tiêu và tôi tiến tới đó với sự quyết tâm và tập trung cao độ. Mọi thứ đều đến như những gì tôi suy nghĩ, thế nên tôi cần phải dành thời gian nhiều để nghĩ.

3) Hãy hình dung về đám tang của bạn, ngày đó sẽ có những ai tham dự, nó được tổ chức như thế nào, lúc đó bạn bao nhiêu tuổi và quan trọng nhất là: người ta sẽ đọc điều gì trong điếu văn viết về tôi? Mỗi người khi chết đi sẽ có một tờ điếu văn tóm tắt cuộc đời họ, tôi muốn trong bài đó sẽ có điều gì?

4) Liệt kê ra 20 hành động mà tôi có thể làm để giúp mục tiêu của tôi trở thành hiện thực: tôi sẽ làm gì? Học gì? Gặp ai? Làm như thế nào? Liệt kê xong và chọn ra 1-2 hành động quan trọng nhất và lặp đi lặp lại hàng ngày.

5) Liệt kê ra những thứ không khiến tôi đến được mục tiêu của mình và từng bước xa rời chúng.

6) Câu hỏi gợi mở sứ mệnh: tưởng tượng rằng nếu ngày mai tôi có đủ tiền để không phải lo gì về vấn đề tài chính nữa, tôi trở thành triệu phú, tỷ phú… tôi sẽ làm công việc gì? Tôi có tiếp tục làm công việc mà tôi đang làm hôm nay? Nếu có thì chúng mừng tôi vì tôi đã làm đúng công việc của mình, còn nếu không thì tôi sẽ tìm cách để chuyển dịch công việc của mình cho phù hợp.

Tôi thích những bài tập này, tôi học chúng từ Brian Tracy, Deepak Chorpa và ai đó nữa cũng không nhớ rõ, nhưng chúng giúp tôi rõ ràng về mục đích và mục tiêu của mình, chúng khiến tôi không còn hoang mang nữa. Tôi biết ơn họ vì đã chia sẻ những câu hỏi hay này.

Bạn cộng sự trong team của tôi sau khi làm bài tập này nói rằng bạn ấy thấy rõ ràng hơn, nhưng rõ ràng hơn thì chưa đủ mà còn cần…

Ở đây có một điểm tôi muốn lưu ý với cậu là “Hãy tự hỏi mình những câu hỏi hay” và cậu sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị cả ở thế giới bên trong nội tâm và thế giới bên ngoài.

5. Kiên trì, không bỏ cuộc

Tôi đoán rằng phải có hơn 80% mọi người bỏ cuộc sớm khi gặp khó khăn thử thách, tôi tin rằng đó là lý do khiến 20% còn lại tạo ra của cải, sự thành công hơn 80% còn lại…

Một bài học quan trọng mà tôi học được rằng: chỉ cần kiên trì không bỏ cuộc, rồi một ngày mình cũng sẽ đến đích, dù khó khăn có như thế nào. Và càng kiên trì, càng chinh phục mục tiêu khó tôi lại càng có thêm sự tự tin để bước tiếp trên hành trình của mình.

Không bỏ cuộc!

Khi bắt đầu một hành trình tôi ấn định rằng mình sẽ đi đến đó, sẽ làm bằng được mới thôi! Điều đó không chỉ cho tôi sự quyết tâm mà còn gợi mở những ý tưởng, kết nối tôi với những con người, nhân duyên phù hợp để giúp tôi thực hiện được mục tiêu của mình.

“Khi bạn mong muốn điều gì cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó” – đây là một câu trích dẫn trong cuốn sách Nhà Giả Kim của Paul Ceoho, một cuốn sách mà tôi rất yêu thích ngày còn trẻ.

6. Thấu hiểu bản thân, tìm kiếm IKIGAI của mình

Tôi nghĩ rằng có một việc quan trọng mà bất cứ ai cũng nên làm để cuộc sống thuận lợi hơn đó khám phá để thấu hiểu chính bản thân mình.

+ Hiểu xem mình thích gì? Đam mê gì? Cậu làm gì nhiều năm mà không chán, có thể thao thao bất tuyệt cả ngày chủ đề đó? Rồi mang cả tiền túi ra để làm nó mà không quan trọng chuyện tiền nong có nhận được hay không? Đó chính là đam mê – là nguồn năng lượng dồi dào của sự sáng tạo, nhiệt huyết trong tôi.

Với tôi đó là: hoạt động xã hội, là digital marketing, là sáng tạo nội dung, là khởi nghiệp, là công việc giúp đỡ người khác, truyền cảm hứng, là đi du lịch trải nghiệm, là học và phát triển bản thân…

+ Hiểu xem mình có sở trường, điểm mạnh là gì? Điều đó giúp tôi tập trung vào 20% điểm mạnh giúp tôi tạo ra 80% kết quả, thay vì làm 80% công việc mà tôi không mạnh để nhận được 20% kết quả. Tôi ứng dụng nguyên lý 80/20 rất nhiều trong công việc và cuộc sống, chúng giúp tôi làm ít đi nhưng hiệu quả cao hơn.

Sở trường của tôi là những gì tôi làm nó tốt nhất, ví dụ như: tôi có khả năng sáng tạo, khả năng viết lách tốt, trong digital marketing tôi sẽ làm rất tốt phần chiến lược và cả phần ý tưởng sáng tạo nội dung… và tôi sẽ tập trung vào điểm mạnh đó của mình, sau đó kết hợp với những cộng sự khác (những người cũng giỏi chuyên môn của họ) như quay phim, dựng phim, viết kịch bản, chạy quảng cáo…vv để cùng phát triển thay vì tôi sẽ ôm tất cả mọi thứ.

+ Tìm điều mà xã hội đang cần: tinh thần doanh nhân (entrepreneur) giúp tôi có góc nhìn tìm kiếm và giải quyết vấn đề. Tôi nhận ra rằng khi làm điều mà xã hội cần, điều đó tạo ra ý nghĩa , cảm giác mãn nguyện trong công việc – đó cũng là một nguồn năng lượng dồi dào giúp công việc của tôi cảm thấy vừa vui (vì yêu thích), vừa ý nghĩa hạnh phúc (vì nó tạo ra giá trị cho xã hội).

Chỉ cần bước ra ngoài đường, lắng nghe, quan sát bạn sẽ thấy xã hội (đặc biệt là ở Việt Nam) có rất nhiều vấn đề bạn có thể giải quyết. Như tôi thấy: ngành dịch vụ, du lịch và nhiều ngành khác còn yếu về marketing (đặc biệt là digital marketing), mọi người chưa có tư duy hệ thống, không có thói quen giúp họ phát triển, môi trường ô nhiễm, tình trạng căng thẳng ở người sống tại đô thị lớn…vv từ đó tôi có thể thiết kế ra các giải pháp giải quyết vấn đề.

+ Công việc phù hợp với các tiêu chí trên và có thể giúp tôi tự do tài chính. Mỗi người sẽ có mức tự do tài chính khác nhau, nhưng việc đó phải giúp tôi tạo ra thu nhập đủ để tự do tài chính. Tôi đã từng làm việc mình yêu thích, mình giỏi nhưng không có tiền, thật khó để sống với điều đó, tiền là một dạng công cụ và đòn bẩy quan trọng giúp tôi thực hiện được những mục tiêu của mình. Khi tôi còn sống ngoài đời sống bình thường mà không phải lên núi đi tu thì công việc tôi làm sẽ cần giúp tôi tạo ra tài chính đủ để tự do.

+ Hiểu xem điểm yếu của mình là gì, và trong đó chọn ra những: điểm yếu nhất (mắt xích yếu) để tập trung hàn gắn nó lại, giải quyết điểm yếu đó để trở nên mạnh mẽ hơn. Ví dụ: trước đây tôi chỉ giỏi marketing mà không biết gì về bán hàng, tôi ngại và sợ bán hàng, nhưng sau đó tôi đã quyết tâm giải quyết mắt xích yếu này vào năm 2021 và sau đó tôi đã bán những đơn hàng $3.000 – $5.000 – $10.000 một cách không căng thẳng. Tôi học cách xây cả một hệ thống kinh doanh tổng quan, học cách lãnh đạo, quản lý, học cách học, rèn luyện các thói quen… tôi liên tục tìm những mắt xích yếu nhất và giải quyết chúng bên cạnh việc phát triển điểm mạnh của mình.

Triết lý IKIGAI của người Nhật Bản (Nguồn Uniace.vn)

4 tiêu chí của IKIGAI: điều cậu thích, điều cậu giỏi, điều xã hội cần và cậu được trả tiền – đó chính là công việc đúng IKIGAI (Lẽ sống) theo triết lý của người Nhật Bản. Khi làm điều đó cậu sẽ có một công việc khiến cậu: tràn đầy năng lượng, vui, hạnh phúc, cậu phát triển đúng tiềm năng của mình và giúp cậu tự do thoải mái về tài chính.

Hãy thấu hiểu chính mình và ra IKIGAI (lẽ sống) của đời mình và sống với nó nhé chàng trai! Cậu sẽ không còn phải làm việc ngày nào nữa, cậu sẽ hòa vào với dòng chảy (flow) sáng tạo. Cậu sẽ tạo ra những tuyệt tác bằng: sở trường, tình yêu, nguồn cảm hứng của mình.

7. Tìm cho mình những người Thầy, Cố vấn để rút ngắn thời gian

Tôi rất ấn tượng câu “Cuộc đời chúng ta thay đổi bởi những người chúng ta gặp và những cuốn sách chúng ta đọc” – thật vậy, cuộc đời tôi thay đổi bởi những người tôi gặp, trong đó có những người Thầy đầu đời đã thay đổi cuộc đời tôi.

Tôi gặp một người Anh đã từng đi bụi 8 nước Đông Nam Á, viết sách, tổ chức hoạt động xã hội, làm truyền thông, làm marketing, kinh doanh khởi nghiệp…vv và tôi được truyền nguồn cảm hứng từ anh để có một tuổi trẻ lang thang trải nghiệm, nhưng vẫn theo cách của riêng mình.

Tôi học hỏi từ mọi người tôi gặp, và nhìn lại thì việc tôi tìm cho những mình những người Mentor đi trước chia sẻ lại kinh nghiệm, hoặc chỉ ra cho mình những góc nhìn khác… giúp tôi rút ngắn nhiều năm trong sự nghiệp của mình.

Tôi nghĩ việc gặp người mentor đầu đời để tôi có can đảm đi hết Đông Nam Á là một thành công mà tôi đạt được.

Tôi gặp những người Thầy làm hoạt động cộng đồng, họ rất giỏi trong việc quy tụ nguồn lực, tổ chức và tôi cũng học được nhiều từ họ.

Tôi gặp những người Thầy có tư duy phải thay đổi ngành, phát triển ngành giúp tôi có thêm nguồn cảm hứng để ứng dụng trong sự nghiệp của mình… tôi dám nghĩ lớn hơn…

Sau đó tôi gặp người mentor tiếp theo khuyên bảo tôi rằng thất bại tuổi trẻ là tài sản, hãy sưu tầm nó thật nhiều trước 30 để 30 bắt đầu sự tự tin… và điều đó cho tôi thêm nguồn sinh lực…

Tôi gặp một người mentor giúp tôi xây dựng thói quen, bán hàng giá cao, phát triển công việc kinh doanh tư vấn/cố vấn/đào tạo… và tôi nghĩ mình đã có một bước tiến khá dài trong sự nghiệp khi được anh ấy chia sẻ kiến thức.

Tôi gặp một người Thầy giúp tôi bù đắp phần còn thiếu ở bức tranh trở thành Trainer (Người làm đào tạo/cố vấn/huấn luyện) và giải đáp cho tôi những điểm tắc trong tâm trí.

Và còn rất nhiều người khác nữa đã thay đổi cuộc đời tôi, dù họ có thể chỉ là một người dân ở vùng núi, một người bạn nào đó đã cho tôi được trải nghiệm sự tử tế khi họ giúp đỡ tôi và không mong nhận lại, hay một người anh nói với tôi một câu nói…

Tôi nhận thấy mình vô cùng may mắn khi gặp những con người tuyệt vời đó.

Để làm điều đó cậu có thể chịu khó đi học, gặp gỡ giao lưu ở trường lớp, cơ quan, hoặc đi du lịch như tôi chẳng hạn!

8. Học tập không ngừng nghỉ

Tôi sẽ chia sẻ với cậu rằng có những lúc tôi lao vào cuộc sống và khát khao học tập, nhưng cũng có những lúc tôi “ếch ngồi đáy giếng” và nghĩ rằng mình đã biết đủ nhiều, tôi không chịu học tập… đó là quãng thời gian tù túng nhất mà tôi từng trải qua.

Cho đến giờ tôi học tập không ngừng nghỉ mỗi ngày… học hỏi và không ngừng phát triển bản thân.

Tôi nhận thấy việc học giúp tôi trở nên hiểu biết hơn, cuộc sống dễ dàng hơn, công việc sự nghiệp thuận lợi phát triển hơn.

Cậu có thể học những thứ cậu đang làm, cũng có thể học những thứ cậu thích – rồi cuối cùng kết nối tất cả mọi thứ lại với nhau để tạo ra viên kim cương của riêng cậu, như tôi đã kết nối những gì mình có để tạo ra những điều riêng biệt của mình.

Cậu cũng có thể tìm học để giải quyết mắt xích yếu, học qua sách, qua audio, qua bạn bè, qua Thầy Cô, qua khóa học online, đi du lịch…vv Hãy học thêm một điều gì đó mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi quý, mỗi năm.

Tốt lên 1% mỗi ngày thì sau 365 ngày tôi sẽ tốt lên 37,7 lần. Đó là một con số đủ manh mẽ để tạo động lực học tập cho cậu chứ?

Cậu có thể đọc thêm về chủ đề học tập mà tôi đã chia sẻ ở đây: Trường học cá nhân

9. Tạo ra giá trị, chia sẻ, giúp đỡ người khác

Nếu chỉ có một việc làm đã thay đổi cuộc đời tôi theo hướng tích cực lên thì đó là: chia sẻ, giúp đỡ người khác.

Nhờ chia sẻ kinh nghiệm du lịch tôi đã trở thành một Người truyền cảm hứng/Influencer, kiếm tiền từ du lịch, được mời đi du lịch nhiều nơi…

Nhờ chia sẻ, giúp đỡ người khác tôi đã sáng lập một dự án xã hội từ 2015 đến nay vẫn còn hoạt động.

Nhờ chia sẻ, giúp đỡ người khác tôi xây dựng được một sự nghiệp đúng sở trường, đam mê, tạo ra giá trị cho xã hội và giúp tôi có cơ hội tự do tài chính.

Nhờ chia sẻ tôi gặp gỡ, quen biết những người hay ho…

Và nhờ chia sẻ, giúp đỡ người khác cuộc sống của tôi đã tốt lên rất nhiều…

Tôi gặp nhiều may mắn trong cuộc sống nhờ tinh thần chia sẻ…

Và tôi sẽ làm công việc này đến hết đời…

Chia sẻ giúp cuộc sống của tôi tràn đầy ý nghĩa

Chia sẻ giúp cuộc sống của tôi gặp nhiều may mắn

Chia sẻ giúp tôi học được nhiều hơn, có nhiều hơn

Chia sẻ thay đổi cuộc đời tôi, công việc của tôi bây giờ là tạo ra và chia sẻ giá trị, giúp đỡ càng nhiều người càng tốt.

Đó chính là cách mà tôi ứng dụng “Quy luật nhân quả” vào trong công việc, cuộc sống. Bạn có thể nghiên cứu chủ đề này qua cuốn sách “Quản lý nghiệp”. Trong đó có câu trích dẫn của Jey Rinpoche (Giáo thọ Đức Datla Latma thứ nhất): “Nếu bạn muốn bất cứ điều gì từ cuộc sống, bạn hãy làm điều đó cho người khác trước đã”

10. Đi với hành trang Đạo Đức cơ bản để làm người

Điều cuối cùng mà tôi muốn chia sẻ với cậu là: du lịch đã thay đổi cuộc đời tôi. Đi nhiều nơi giúp tôi mở mang tầm mắt, giúp tôi nhìn nhận thế giới khách quan hơn, tôi có nhiều bạn bè hơn, có nhiều trải nghiệm phong phú, những ý tưởng sáng tạo…

Trên hành trình của mình tôi đã tìm cho mình những kho báu, nhưng cũng mang về cả rác trong tâm hồn. Tôi giống như một miếng bọt biển hấp thu mọi thứ từ cuộc sống, tôi trải nghiệm, đón nhận và tham gia tất cả nhưng thiếu hiểu biết… và đôi khi điều đó gây tổn thương tới những người khác và cả chính tôi.

Và sau này tôi có cho mình một tấm màng lọc căn bản phù hợp, đó là 5 đạo đức cơ bản Làm Người của Phật Giáo Nguyên Thủy, cậu có thể tham khảo những tiêu chí đạo đức này:

1) Đạo Đức Yêu Quý Sự Sống (Hiếu Sinh): Không giết hại các sinh linh khác, dù chỉ là một con kiến. Đạo đức này giúp tôi yêu quý sự sống, và theo quy luật tự nhiên (nhân quả/hấp dẫn) tôi sẽ có năng lượng tích cực (năng lượng cao theo biểu đồ của Tiến sĩ Hawkins)

2) Đạo Đức Thành Thật: Không nói dối, không nói lời bịa đặt, nói lời gây hại tới người khác, nói giữ lời (chữ tín). Tôi vẫn chưa làm tốt điều này, đôi khi tôi còn sai hẹn, nói mà không làm được ngay, tôi cần sửa điều này. Thành thật giúp tôi tạo ra uy tín.

3) Đạo Đức Thủy Chung: Chung thủy với người yêu, người bạn đời của mình. Điều này giúp tôi có những mối quan hệ hạnh phúc.

4) Đạo Đức Không Tham Lam: không lấy của không cho, sỡ hữu vật chất nhưng không tham đắm, chấp vào nó để gây đau khổ. Điều này giúp tôi tự do tự tại, tôi vẫn làm, vẫn đặt ra những mục tiêu tự do tài chính, nhưng tôi không tham đắm vào chúng, tôi trải nghiệm chúng, nhưng sẽ không sở hữu chúng.

5) Đạo Đức Tỉnh Tảo Sáng Suốt: không uống rượu bia để đầu óc lũ lẫn mất kiểm soát, dẫn tới có suy nghĩ, hành động, lời nói làm hại tới người khác.

Tôi ước mình có những tiêu chuẩn đạo đức này từ khi mình còn nhỏ.

Tổng kết

Trên đây là 10 bài học quan trọng mà tôi đã học được sau 10 năm trải nghiệm. Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với cậu :”Hãy trở thành người Làm Chủ: làm chủ vận mệnh cuộc đời mình bằng cách tự tay thiết kế chúng, làm chủ cảm xúc của mình, làm chủ năng lượng, làm chủ ham muốn…” – tôi cũng đang trên hành trình để chiến thắng chính mình và từng bước làm chủ cuộc đời mình mà thôi. Có lẽ tôi vừa chỉ bước đi trước cậu một đoạn không xa.

Rất vui vì cậu đã dành thời gian đọc hết nó!”