Trong buổi webinar tối hôm qua có một bạn hỏi Việt Anh là :”Làm gì khi thấy thiếu động lực?”

Hôm qua mình tổ chức webinar, nói liên tục từ 20h30 đến gần 23h mới nghỉ, sau đó lại ngồi tổng kết rồi gửi cho mọi người… mình cảm thấy mệt phờ… và quan sát thấy những suy nghĩ tiêu cực kéo đến.

Cảm giác chán ghét, mệt mỏi kéo đến…

Bạn có thường rơi vào trạng thái đó không?

Nếu có thì :”Làm gì khi bị tụt năng lượng, không đủ động lực?”

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm của mình khi nói về chủ đề động lực trong công việc và cuộc sống nhé!

1. Động lực từ cộng đồng là nguồn động lực vô hạn

Đầu tiên mình khám phá ra một bí mật là: khi chỉ suy nghĩ cho mình và chỉ muốn nhận về thì cái tôi nhỏ bé sẽ giới hạn, bó hẹp mình lại, mình cảm thấy cuộc sống của mình chật hẹp.

Sau đó mình tham gia một chuyến từ thiện đi tặng quà cuối năm cho những cô chú làm lao động nghèo ở Hải Phòng, và trải nghiệm đó thực sự đã thay đổi cuộc đời của mình.

Mình khám phá ra rằng khi chúng ta làm điều gì đó vì người khác, chúng ta cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn, trải nghiệm đó giống như một cánh cửa giúp mình bước vào một thế giới tràn ngập niềm vui, những điều ý nghĩa và hạnh phúc.

Và sau đó mình tiếp tục làm nhiều hơn các dự án như thế: gây quỹ ở công ty mua quà tặng cho bọn trẻ con ở bản Cột Mốc (Sơn La), đạp xe gây quỹ mua áo ấm, gây quỹ tặng gạo cho bà con ở Biển Hồ (Siem Riep, Cambodia), mình viết blog chia sẻ kinh nghiệm du lịch và cho đến giờ mình đang giúp các doanh nghiệp du lịch phát triển công việc kinh doanh trên internet…

Và mình nhận ra một điều: khi chúng ta không còn tập trung vào mình, chúng ta hướng ra bên ngoài, làm điều gì đó có ích cho người khác, cho cộng đồng nhỏ như gia đình mình, bạn bè mình, cộng sự của mình, cho xã hội… mình cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn…

Mình nói với bạn ấy rằng: động lực của mình tới từ việc mình thấy Bố Mẹ mình cũng lớn tuổi rồi, đến lúc cần phải báo đáp công ơn sinh thành, nuôi dưỡng, dạy bảo của Bố Mẹ. Vợ mình cũng vất vả 4 năm nay khi mình khởi nghiệp, con mình cũng đã lớn cần điều kiện học hành và cuộc sống tốt hơn, người thân họ hàng của mình còn nhiều người khó khăn vất vả mà mình chưa làm gì được cho mọi người…

Rồi sự nghiệp thì mình thấy nhiều người chưa biết cách làm marketing, kinh doanh, ngành du lịch khâu marketing quảng bá chưa phát triển…vv mình tìm cách giải quyết những vấn đề đó…

Các cộng sự của mình, các bạn làm cùng mình làm thế nào để giúp các bạn phát triển sự nghiệp, nâng cao thu nhập, sau này tự do về tài chính, có một công việc vui vẻ, ý nghĩa…

Hay một người bạn của mình, mình đang đồng hành cùng chị ấy giúp chị ấy xây dựng thói quen tập thể dục mỗi ngày để chị ấy có thêm sự tự tin – điều đó lại tạo động lực để mình quyết tâm tập thể dục mỗi ngày…

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” – sức mình đến đâu thì làm đến đó, quan trọng là hướng ra bên ngoài (thay vì chỉ nghĩ cho mình), vì người khác thì mình nghĩ chúng ta sẽ có thêm nguồn động lực vô hạn, khi mình luôn cảm thấy ý nghĩa, vui vẻ với công việc.

Và điều đó vô cùng giúp chúng ta phát triển, nói theo ngôn ngữ tâm linh vũ trụ thì: “Nếu bạn muốn bất cứ điều gì từ cuộc đời này, bạn phải lfam điều đó cho người khác trước đã” – Jey Rinpoche (1357 – 1419) Giáo thọ của Đúc Dalai Lala thứ nhất.

Sáng nay mình lướt facebook anh bạn – một chuyên gia đào tạo về tài chính, anh ấy có chia sẻ câu này mình thấy khá hay.

2. Làm công việc mà bạn yêu thích, đam mê

Mình suýt quên mất điều này, khi mình tìm thấy và làm đúng đam mê, mình cảm thấy luôn tràn đầy năng lượng. Đêm qua mệt như thế, nhưng sáng ra ngay khi mở mắt ra mình đã có rất nhiều ý tưởng để làm…

Làm công việc mình đam mê, yêu thích (hoặc bạn yêu thích công việc bạn làm) thì khó khăn và thử thách không khác gì với công việc bạn không yêu thích, nhưng bạn sẽ có một nguồn động từ bên trong giúp bạn vượt qua.

3. Làm điều mà mình giỏi, khắc phục điều mình yếu

Mình đã từng làm nhiều công việc khác nhau, có thể làm tốt nhiều việc, nhưng cũng có những việc mình làm không tốt, khi làm những việc mình không làm tốt mình sẽ chán nản, nhiều lúc muốn bỏ cuộc.

Mình đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu xem mình có điểm mạnh gì, sở trường là gì và tập trung vào điều đó. Ví dụ: trong công việc kinh doanh mình giỏi tổng quan, chiến lược và mình sẽ tập trung vào điều này, rồi tìm một cộng sự mạnh về chi tiết. Hai người hợp tác cùng nhau sẽ bù đắp được cho nhau vào tạo ra sức mạnh.

Bên cạnh đó, mình cũng sẽ khắc phục các điểm yếu, tìm ra đâu là điểm yếu lớn nhất của mình và học, rèn luyện để hoàn thiện – điều đó sẽ giúp mình giải quyết được nhiều vấn đề trong công việc, cuộc sống hơn, hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

và mình nhận ra khi làm việc mình giỏi, mình sẽ làm nó dễ dàng hơn. Điều này cũng giúp mình có động lực, mình cũng cảm thấy vui khi mình tiến bộ hơn mỗi ngày – đó cũng là một nguồn động lực.

4. Công việc đó giúp bạn tạo ra thu nhập cao

Khi mình bắt đầu chuyển từ dịch vụ giá thấp sang làm dịch vụ giá cao, nâng cao kỹ năng chuyên môn, hiểu biết, giải quyết những vấn đề lớn hơn – thu nhập của mình cao hơn và mình nhận ra rằng động lực từ tài chính cũng là một nguồn quan trọng.

Một công việc có cơ hội tạo ra thu nhập cao giúp mình đảm bảo cuộc sống tự chủ, tự do hơn, mình có thể lo được cho mọi người trong gia đình, giúp đỡ cộng đồng… điều đó tạo cho mình một nguồn động lực để làm làm làm và làm.

5. Ghi nhận bản thân mỗi ngày

Trước đây mình làm nhiều nhưng không ghi nhận bản thân, mình cứ lao vào làm và làm… sau này mình người Mentor của mình chỉ cho mình một thói quen :”Viết nhật ký 5 chiến thắng nhỏ trong ngày và 10 điều biết ơn từ cuộc sống”.

Và mình đã làm nó, sau mỗi lần viết như thế mình cảm thấy một ngày của mình có giá trị, mình cảm thấy vui vẻ vì mình tiến bộ mỗi ngày – và ngày hôm sau lại có động lực để làm tiếp.

Ví dụ về 5 chiến thắng nhỏ của mình như:

1. Soạn xong slide chương trình Webinar Truyền Nghề Digitla Marketing Du Lịch

2. Tổ chức xong chương trình và có X thành viên tham gia, X thành viên tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu

3. Dù bận nhưng vẫn không quên tập thể dục, dù chỉ 5 phút thôi nhưng cũng duy trì được thói quen và kỷ luật

4. Viết email gửi cho các thành viên tham gia webinar

5. Đọc 1 chương sách

Đó là ví dụ về những chiến thắng nhỏ, hãy ghi nhận mỗi ngày để có thêm động lực bạn nhé!

6. Nghỉ ngơi để cho các gian quan phục hồi

Căng thẳng, mệt mỏi sẽ dẫn đến tình trạng chán nản. Công việc cuộc sống không thể tránh những lúc căng thẳng, mệt mỏi, mình từng bế tắc vì nhiều việc quá, nhiều thứ muốn làm, mà sức mình giới hạn, thách thức cũng lớn…

Sau đó một người Thầy của mình chia sẻ :”Căng thẳng thì hãy để 5 giác quan – 6 căn được nghỉ ngơi”… đi ngủ, thiền, tập thể dục hay làm gì đó, không nghĩ nữa.

5 giác quan bao gồm: Mắt, tai, miệng, mũi, lưỡi.

6 căn bao gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Những giác quan dẫn truyền thông tin tới bộ não, ý (suy nghĩ) của chúng ta hoạt động không ngừng nghỉ. Bộ não tuy nhỏ bé nhưng tiêu tốn rất nhiều năng lượng…

Nên nếu mệt, căng thẳng thì nghỉ ngơi, đi chơi, đi du lịch ở đâu đó – không cần đi quá xa, đi trong thành phố cũng được, nghỉ một ngày, lang thang một ngày, hai ngày, hoặc làm điều gì mình yêu thích để lấy lại năng lượng.

Trước đây mình làm việc full 7 ngày, từ sáng đến tối, và điều đó dẫn tới tình trạng mệt mỏi, nó còn gây bất ổn cho cả cuộc sống gia đình của mình nữa. Sau đó mình đọc một cuốn sách của Brian Tracy, ông ấy nói rằng mỗi tuần nên có ít nhất 1 ngày nghỉ ngơi không làm gì (thậm chí không đọc sách) để cho tâm trí bạn nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng cho tuần làm việc tiếp tới.

Mình đã làm điều đó, cuối tuần mình dành thời gian chơi cùng vợ con nhiều hơn… ngủ…

Cũng có tuần mình dành thêm một ngày nữa để đi lang thang, mình thuê khách sạn ở trong thành phố ngủ qua đêm giống như đi du lịch để thư giãn…

Bạn có thể tìm hiểu về thiền, yoga, chạy bộ, khí công…vv một môn nào đó để làm thư thái tâm trí, đặc biệt là khi tập luyện não sẽ tiết ra endorphin, dopamine, oxytoxin – là các hoormone dẫn truyền cảm xúc tích cực (hay còn gọi là hormone hạnh phúc).

Hãy làm điều đó mỗi ngày, bồi bổ tinh thần và thể chất mỗi ngày.

Thể chất không khỏe mạnh, thì ý chí không thể nào vững vàng được. Và nếu bạn đang gánh vác trên vai là trách nhiệm với một gia đình, một cộng đồng nhỏ, hay cộng đồng lớn – sức khỏe là điều vô cùng cần thiết.

7. Sự chán nản có thể tới từ các chất kích thích nhằm xoa dịu cảm xúc nhất thời

Mình đã từng tìm tới rượu, bia, sex, đi bar/sàn… hay các chất kích thích khác để xoa dịu cảm xúc chán nản, để mua vui trong thời gian giây lát… nhưng kết quả là sau khoảnh khắc đó sự chán nản, thất vọng không mất đi mà còn sâu hơn.

Sau này nghiên cứu về khoa học tâm linh thì mình biết rằng con người hoàn toàn có khả năng làm chủ tâm trí và cảm xúc của mình. Chúng ta là người có quyền ra quyết định.

Một suy nghĩ khởi lên => tạo ra cảm xúc => cảm xúc tạo ra phản ứng (có thể là chán ghét, có thể là ham muốn) => và phản ứng đó dẫn tới hành động => Hành động tạo ra kết quả.

Có những phương pháp tập luyện có thể giúp chúng ta: quan sát và làm chủ cảm xúc của mình như Thiền Vipassana (phần này mình chưa trải nghiệm nhưng được chia sẻ lại từ một người Thầy), hay Phương pháp như lý tác ý quan sát trạng thái cảm xúc của mình và làm chủ nó bằng cách nhận diện và đưa ra quyết định phản ứng của riêng mình (mình đang thực hành phương pháp này).

Những điều này khá phức tạp nhưng nếu bạn quan tâm thì đó là một chủ đề thú vị, một phương pháp hữu ích để mình cải thiện đời sống tinh thần, và qua đó cải thiện cuộc sống xung quanh (vì thế giới bên ngoài được tạo ra bởi thế giới ở bên trong).

Như Đức Phật nói :”Ý làm chủ, ý tạo tác”

Nếu với suy nghĩ ô nhiễm (tiêu cực, độc ác) và nói ra, hành động sẽ dẫn đến đau khổ (buồn chán, thiếu thốn…vv) cả về tinh thần lẫn thân xác.
Mình nhận thấy không cần phải là một Nhà Sư mới có thể học và úng dụng điều này, trong cuộc sống chỉ cần với ý (suy nghĩ) thanh tịnh (không làm hại ai, nghĩ điều lương thiện, không muốn gây hại cho ai, nói lời chân thật, chung thủy với gia đình, không rượu chè say sưa, không lấy của không phải của mình, có tài sản vật chất nhưng không tham đắm, không bị chấp vào đó) thì đời sống sẽ an lạc, thanh bình.

Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này qua các bài Kinh Pháp Cú (những lời giáo huấn của Đức Phật) dành cho mọi người, không phân biệt tôn giáo. Link bài đọc

Tổng kết

Bạn thì sao? Bạn có bao giờ thấy thiếu động lực không? Nếu có thì bạn thường làm gì? Hãy chia sẻ cùng mình và các bạn khác bằng cách để lại comment nhé!

Trên đây là những trải nghiệm và hiểu biết cá nhân của mình, nó không phải là tất cả, bạn có thể nghiên cứu và chủ động tìm hiểu thêm. Chúc bạn luôn có nguồn năng lượng dồi dào.

Chúc cuối tuần vui vẻ!