Lúc đó mình xúc động nổi gai ốc khắp cả người, mặt phừng phừng đỏ, và có cái gì đó gieo vào trong tâm trí thôi thúc mình phải làm điều gì đó! Nhất định phải làm điều gì đó! Không thể để tuổi thanh xuân của mình trôi đi một cách phí hoài được…

Trước đây mình cũng chỉ là một đứa trẻ bình thường, dù gia đình không khá giả nhưng có lẽ do tuổi thơ vất vả rồi nên Bố Mẹ mình cũng không để mình phải làm gì. Mình sống trong sự chiều chuộng của gia đình, là con một nữa nên chỉ biết có riêng mình.

Mình cũng không quan tâm nhiều tới lịch sử ngoài việc ngày hè nằm nghe Ông Ngoại kể chuyện ngày xưa đánh Pháp, vì tò mò mấy vết thương trên người ông… Lúc đó chỉ quan tâm tới chơi game, tới yêu đương, tới vẽ vời…vv làm điều mà mình thích.

Cho đến khi mình đi xuyên Việt lần đầu tiên năm 2013, lúc đó mình 22 tuổi, lần đó mình theo anh Lâm tới Đà Lạt gặp cô Phương (trưởng khoa ngoại ngữ trường đại học Đà Lạt), trong căn nhà gác mái theo phong cách phương tây ấm cúng ấy, cô kể cho mấy anh em nghe về nghiên cứu của cô về Nạn Thuyền Nhân (những người vượt biên ra khỏi Việt Nam sau năm 1975 bằng đường biển)… qua lời kể của cô mình mới bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới lịch sử, tới chiến tranh.

Sau đó 1 năm, mình đi đạp xe xuyên Việt, trong hành trình ấy mình có ghé nghĩa trang Gio Linh ở Quảng Trị, tới vĩ tuyến 17, tới thành cổ Quảng Trị… lúc ấy mình mới bắt đầu có dịp được tìm hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh khốc liệt trong quá khứ…

Nếu chỉ nhìn những nấm mộ ở trong nghĩa trang, có lẽ sẽ không tác động được đến mình nhiều… nhưng trong lần ghé nghĩa trang Trường Sơn, mình nhìn thấy tác phẩm điêu khắc hình 3 chiến sĩ chỉ tuổi mười tám, đôi mươi với gương mặt hồ hởi phấn khởi đang trên đường hành quân, và xung quanh đó là hàng nghìn ngôi mộ… mình sững người, dưới những nấm mộ kia là những sinh mệnh, họ hy sinh khi cũng tuổi đôi mươi như mình khi ấy…

Tuổi đôi mươi của họ là tham gia nhập ngũ, vào chiến trường, hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc… Và họ chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình để ngày hôm nay mình được sống trong một Đất Nước yên bình…

Lúc đó mình xúc động nổi gai ốc khắp cả người, mặt phừng phừng đỏ, và có cái gì đó gieo vào trong tâm trí thôi thúc mình phải làm điều gì đó! Nhất định phải làm điều gì đó! Không thể để tuổi thanh xuân của mình trôi đi một cách phí hoài được…

Sau này mình tới thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Vị Xuyên ở Hà Giang, đến Đắk Lắk gặp em rể của Ông Ngoại mình cũng là bộ đội Trường Sơn, nghe ông kể về cuộc chiến khốc liệt, hầu hết mọi người tham gia cuộc chiến đó đều xác định là mình sẽ không có ngày trở về…

Mình tự hỏi: “Tại sao họ lại liều lĩnh chấp nhận hy sinh cả sinh mạng của mình như thế?”

Rồi mình sang Campuchia, gặp chú Hai Miêu là Bộ đội thanh niên tình nguyện đánh quân Polpot, ngày đó chú cũng tuổi đôi mươi như mình, hay ra Cát Bà gặp Bố của chị bạn mình từng là thành viên trong những chuyến tàu không số, Bác nói rằng ngày đó trước khi đi được làm lễ truy điệu, xác định không có ngày về.

Hay gặp một cụ ông người Thái ở Mộc Châu tham gia đội quân Tây Tiến năm xưa…

Năm 2020, mình có dịp đến đến trung tâm chăm sóc thương bệnh binh ở Hà Nam, tận mắt thấy những người cựu chiến binh trở về mang trong mình đầy thương tật, có nhiều người bị trấn thương tinh thần, trở thành người khùng, người điên, có người khi lên cơn nhìn người vợ của mình tưởng là quân địch lấy dao sát hại… khi cơn mê qua đi thì khổ đau vô cùng…

Tại sao có những người biết rằng tham chiến có thể sẽ chết mà họ vẫn không nao lòng?

Cả ở bên kia chiến tuyến, họ cũng là những con người, cũng hy sinh trong những trận chiến, biết bao người đã bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt biên. Có những người còn sống phải chịu bao tổn thương tinh thần, tổn thương về thể xác…

Tại sao họ lại tham gia những cuộc chiến ấy? Vì lý tưởng tự do? Vì bảo vệ gia đình? Bảo vệ quê hương? Bảo vệ cho lý tưởng? Cho niềm tin? Điều gì đã thúc đẩy những cuộc chiến đó xảy ra? Là sự bóc lộc từ thực dân? Là quyền độc lập, tự do, hạnh phúc?

Có lẽ một ngày nào đó, khi gặp một người Cựu chiến binh, mình sẽ hỏi họ những câu hỏi đó.

Ở trong cuộc chiến tranh Nam – Bắc, ai đúng, ai sai thì cũng đã qua. Mình chỉ nhìn thấy rằng hàng triệu người đã vĩnh viễn nằm xuống chỉ để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Và mình cảm thấy may mắn, biết ơn khi được sinh ra trong một đất nước hòa bình.

Mình nghĩ rằng nếu không làm được gì nhiều, thì là một công dân tử tế, là một người lương thiện… Nếu có thể thì tìm cách đáp đền, thực hành văn hóa biết ơn bằng cách làm điều gì đó tốt đẹp cho đời.

Vì những gì mình có ngày hôm nay là vô cùng quý giá.

BIẾT ƠN… NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ!!!

Các bạn có thích tìm hiểu lịch sử không?

Từ ngày còn bé, Việt Anh đã rất thích nằm cạnh Ông Ngoại những buổi trưa hè, lắng nghe Ông kể về những dấu tích chiến tranh để lại trên thân thể. Ông mình ngày xưa tham gia nhập ngũ oánh nhau với Pháp sớm lắm, khi mất ông gần 70 năm tuổi Đảng.

Mỗi lần đi du lịch, gặp người già ở đâu mình cũng thường hỏi về những câu chuyện chiến tranh. Từ cực Bắc Hà Giang với những trận chiến tranh biên giới, sang phía Tây Bắc nghe cụ ông người Thái kể về đoàn hành quân Tây Tiến, sang phía Đông Bắc là đọc về những trận chiến hào hùng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, của nhà Trần trước quân Nguyên Mông.

Rồi ra Cát Bà, lại say sưa nghe một bác tham gia chuyến tàu Không Số vận chuyển vũ khí, lương thực tiếp viện cho miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Vào Tây Nguyên nghe kể về những trận chiến cách đây mấy chục năm. Sang Cam nghe kể về chiến tranh với quân Khmer đỏ, đánh tận sang cả đất Thái.

Nhưng có lẽ để lại trong mình ấn tượng sâu sắc nhất, là khi mình đặt chân tới Nghĩa trang Trường Sơn. Hôm đấy mình đang trên Quốc lộ 1A, đoạn đường từ Quảng Bình đi Huế, không hiểu sao mình nghĩ trong đầu “phải ghé nghĩa trang Trường Sơn”, thế là mình rẽ ngang mấy chục km, qua những con đường đất đỏ sang đường Trường Sơn, đường hoang vắng, nhà thưa thớt, hai bên toàn rừng cao su, vừa đi vừa sợ…

Tìm đến nghĩa trang Trường Sơn nơi mà mọi người vẫn nhắc, vẫn kể, nơi có hơn 10 nghìn ngôi mộ liệt sỹ được quy tụ về đây.

Mình vốn là một đứa nhát bóng tối, nhưng hôm đấy một mình vào trong nghĩa trang mà không sợ mấy. Vì mình nghĩ, các cụ chắc sẽ không dọa mình đâu…

Bước đến nghĩa trang, một không gian yên bình, không giống như những gì mình tưởng tượng trước đó về một trong những nghĩa trang có quy mô lớn nhất cả nước. Nơi quy tụ hơn 10 nghìn ngôi mộ, của 10 nghìn liệt sĩ, có phân chia ra thành từng Tỉnh thành, từng khu vực. Đây chỉ là một số ít những ngôi mộ được tìm thấy, còn rất nhiều nghĩa trang khác, cũng như những ngôi mộ khác không được/chưa được tìm thấy.

Ước tính có gần 4 triệu người Việt chết trong cuộc nội chiến tranh Nam – Bắc.

Mình thắp hương ở đài hương chính rồi đi xung quanh, hướng đến phía Hải Phòng với mong muốn chụp lại tấm ảnh trên bia, xem biết đâu có người nhà ai đó chưa tìm được mộ người thân (vì em ruột Ông Nội mình cũng là Liệt Sỹ, thất lạc hài cốt bao nhiêu năm sau mới tìm lại được).

Đến khu Hải Phòng, mình thực sự xúc động, không nhớ lúc đấy mình có khóc không nữa, khi nhìn thấy tượng 3 chiến sỹ trẻ tuổi chỉ mười tám, đôi mươi đang trên đường hành quân. Mặt mũi, cử chỉ cho thấy họ đang phấn khởi, tương vui. Và phía sau lưng họ là những ngôi mộ, hàng trăm, hàng nghìn ngôi mộ.

Bên cạnh bức tượng đó có đoạn trích dẫn trong bài thơ Đi của nhà thơ Tố Hữu, làm mình ấn tượng mãi cho tới tận bây giờ:

“Đi! Đi bạn ơi! Sống đủ đầy

Sống trào sinh lực, bốc men say

Sống tung sóng gió thanh cao mới

Sống mạnh, dù trong một phút giây”

Lúc đó mình xúc động nổi gai ốc khắp cả người, mặt phừng phừng đỏ, và có cái gì đó gieo vào trong tâm trí thôi thúc mình phải làm điều gì đó! Nhất định phải làm điều gì đó! Không thể để tuổi thanh xuân của mình trôi đi một cách phí hoài được.

Từ lúc sử sách có thể ghi lại, biết bao thế hệ Cha Ông đã ngã xuống?

Quê hương Việt Nam hàng nghìn năm, trải qua không biết bao nhiêu trận chiến tranh để có được hòa bình như ngày hôm nay.

Biết bao nhiêu máu xương của những thế hệ trước đã hy sinh.

Biết bao nhiêu mất mát, đau khổ của những người Mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha, người anh em mất người thân của mình.

“Dù ở bên nào đi chăng nữa, khi tham gia vào một cuộc chiến đều là người thua cuộc”

Hôm nay là ngày 27/7, ngày Thương binh liệt sỹ, mình muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Ông Ngoại, người đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời mình. Biết ơn các vị Anh hùng, các ông các bác Thương binh, Liệt sỹ, những người đã chịu đau thương, mất mát để ngày hôm nay có được hòa bình.

Những hy sinh của thế hệ đi trước sẽ không phí hoài, sẽ xứng đáng, phải không các bạn?

*Ảnh 1: Mình chụp khi vừa tới nghĩa trang Trường Sơn.

*Ảnh 2: Bức tượng chụp trong khu chôn cất liệt sỹ ở Hải Phòng trong khu nghĩa trang Trường Sơn.

*Ảnh 3: Ông Ngoại mình, thần tượng ngày bé, tấm gương để học tập của mình đấy.

#Ngaythuongbinhlietsy