Việt Anh nhớ là mình đã mệt tới mức gần như thiếp đi trên sàn nhà… và khi tỉnh dậy, hình như mình đã lại túm lấy cuốn sách để đọc ngấu nghiến nó…

Không phải mình gặp vấn đề gì về sức khỏe, mà não mình mỏi quá, nó cần được nghỉ ngơi…

Quý 3 năm 2022 mình đọc gần 30 cuốn sách, chưa bao giờ mình đọc số lượng sách nhiều như thế trong đời… Đối với cá nhân mình thì con số đó là nhiều, nhưng thực sự thì so với mọi người đó vẫn là con số khá khiêm tốn. Một triệu phú người Mỹ như Brian Tracy đọc trung bình 3 cuốn sách mỗi tuần, và một năm ông đọc khoảng 150 cuốn.

Mình biết nhiều người đọc nhiều và đọc nhanh, mình nhớ mình đã đọc một bài báo nói rằng hồi còn trẻ Elon Musk có thể đọc vài cuốn sách một ngày. Không, bạn không nghe nhầm đâu.

Bill Gates đọc trung bình 1 cuốn mỗi tuần, và ông đọc 50 cuốn 1 năm.

Từ từ nhé! Có một điều mình muốn nhận mạnh rằng đọc sách nhiều chưa chắc đã giúp bạn giỏi hơn, thành công hơn, hạnh phúc hơn bạn của hiện tại.

Thế thì tại sao mình lại đọc nhiều sách tới mức thiếp đi trên sàn nhà như vậy?

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 10/2020, khi mình nhận được một học bổng trong 2 tháng cùng viện lãnh đạo ABG. Ở đó mình toàn gặp tụi bạn du học ở các quốc gia hàng đầu: Mỹ, Nhật, Châu Âu, các trường top đầu cả nước, các doanh nhân khởi nghiệp giải thưởng thanh niên ưu tú, giám đốc trẻ mảng TMĐT của Vin, quản lý thương hiệu của Giovani và nhiều nhân vật tài năng khác…

Ôi mẹ ơi. Mình cảm giác hơi bị ngợp với những cái đầu của đám bạn mình, trong khi đó, mình thấy mình chẳng biết gì ngoài du lịch. Haha.

Việt Anh nhận thấy mình :”Thiếu kiến thức thường thức và lười học”. Sau đó mình đã đưa ra một quyết định là sẽ học hành tử tế để bằng bạn bằng bè, ý là, mình đã rong chơi trải nghiệm suốt những năm tuổi trẻ rồi, giờ là lúc để làm việc, cống hiến, mà sẽ khó để có thể cống hiến được nếu mình chỉ biết 1 lĩnh vực duy nhất…

Tập thể lớp đó mỗi người một lĩnh vực: từ tâm lý học, tài chính, chính sách công, giáo dục, chữa lành, hoạt động xã hội, làm cha mẹ…vv mình được truyền cảm hứng từ mọi người. Và mình quyết định sẽ: phát triển theo hình chữ T.

Chỉ có 21% người Việt đọc sách trong một năm và tỷ lệ 1,4 đầu sách/người/năm – sẽ ra sao nếu bạn đọc 3 cuốn mỗi tuần, 100 đầu sách trên năm? Wow! Điều đó thật điên rồ và truyền cảm hứng!

Trần Việt Anh

Phát triển theo hình chữ T

Hồi đó mình mới biết tới khái niệm này: đại để rằng bạn cần phát triển 1 sở trường mạnh nhất thật sâu, và mở rộng vốn hiểu biết theo chiều ngang (càng nhiều lĩnh vực càng tốt). Sau đó bạn kết nối chúng với nhau, bạn sẽ có góc nhìn đa chiều, tổng quan, những cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn khi làm việc. Bạn nên chủ động tìm kiếm thêm thông tin về chủ đề này và đây là một bài viết để tham khảo

Mô hình chữ T trong phát triển chuyên môn (Nguồn: Fastwork)

Mình tìm thấy 1 điểm chung với khái niệm Connecting Dots (kết nối các điểm chấm – những điều bạn đã trải qua trong quá khứ). Cả hai khái niệm này vừa bổ trợ cho nhau nhiều. Mình thích cách hiểu mô hình chữ T (dạng không gian 2 chiều), nó mạch lạc, dễ hiểu: à, ngoài việc học chuyên sâu, sâu thật là sâu chuyên môn của mình, bạn cần biết thêm các lĩnh vực khác để có thể bổ trợ.

Nhưng mình cũng thích khái niệm connecting-dots của Steve Jobs, tất cả mọi sự kiện xảy ra trong quá khứ đều có ý nghĩa và bạn (nên) hoàn toàn có thể kết nối chúng với nhau.

Ảnh là sơ đồ cấu trúc cách cháu quản lý thông tin theo khái niệm Connecting Dots của Steve Jobs. Mình sử dụng Roam Research để lưu trữ và kết nối thông tin.

Cách để đọc gần 30 cuốn sách trong vòng 3 tháng?

Thực tế để làm được điều này mình phải nói với bạn rằng mình đã bắt đầu đọc sách từ ngày còn sinh viên, ngày đó mình đọc ít hơn bây giờ, cũng bắt đầu từ 1-2 cuốn đầu tiên, nhưng dần dần số lượng sách nhiều hơn, tuy nhiên hồi đó mình chủ yếu đọc tiểu thuyết kinh điển và tiểu thuyết phưu lưu, lãng mạn. Những trải nghiệm đó giúp mình dễ làm quen hơn với việc đọc. Sau đó có giai đoạn mình bị nghiện mua sách, mua rất nhiều, thích là mua, chất đống, không đọc hết => nhìn đống sách là muốn stress luôn vì nhiều quá, thế là bỏ đó không đọc nữa.

Có những lúc quyết tâm, đọc được một cuốn mất cả tuần trời, mình tự hỏi nếu cứ tiếp tục đọc như thế này, tốc độ chậm quá, mà mình đã xuất phát muộn hơn mọi người rồi…

Thế là mình tìm về các phương pháp đọc nhanh. Mình đọc 3 cuốn sách sau:

Đọc nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu trọn đời – Atushi Unami (Cuốn này của một tác giả người Nhật chuyên làm nghề duyệt sách, ông ấy đọc mỗi ngày 1 cuốn, cuốn này cũng chỉ cho mình nhiều kiến thức hay giúp mình đọc nhanh, hệ thống thông tin sau khi đọc – điều này là rất quan trọng, thông tin không được tổ chức và ứng dụng sẽ rất nhanh chóng rơi vào vùng quên lãng)

Phương pháp học tập không giới hạn – Jim Kwik (Cuốn sách này giúp mình tăng khoảng 7 lần tốc độ đọc của mình chỉ với những bài tập đơn giản)

Kỹ năng đọc sách hiệu quả (Mình không nhớ chính xác có phải cuốn này không, nhưng nếu đúng thì nó sẽ dạy bạn cách đặt câu hỏi tư duy logic khi đọc sách theo cấu trúc: what (chương sách nói về điều gì) – why (tại sao nó quan trọng) – how (làm thế nào để ứng dụng nó vào thực tế))

Bài tập thực hành theo phương pháp đọc nhanh mà Jim Kwik giới thiệu (mình thấy nó có điểm tương đồng với phương pháp speed reading của Mỹ (Jim Kwik người Mỹ).

Một số hiểu lầm của mình về việc đọc sách

Đọc nhanh khiến mình không thể hiểu hết ý của cuốn sách.

Điều này là không đúng, như tác giả cuốn Đọc nhanh, nhớ lâu, hiểu sâu trọn đời có chia sẻ, khi đọc một thời gian ông nhận ra cấu trúc phân bổ nội dung của các thể loại sách khác nhau.

Với những cuốn sách kinh doanh, ông chỉ cần đọc đoạn đầu và đoạn cuối của một đoạn văn là có thể tóm được ý của tác giả. Mình cũng sử dụng thủ thuật này để đọc nhanh.

Đọc nhanh là người vội vàng

Với mình, mình chia việc đọc sách ra thành 2 kiểu đọc: để thưởng thức và để thu thập thông tin. Đọc tiểu thuyết mình sẽ đọc từng từ, từng chữ. Còn đọc sách phát triển cá nhân, sách kinh doanh, kỹ năng mình sẽ đọc thật nhanh để thu thập thông tin trong công việc. Sau này mình chủ động đọc nhanh khi cần, và đọc chậm khi muốn.

Phương pháp giúp mình X7 tốc độ đọc của mình

Về cơ bản phương pháp này khích lệ bạn nên đẩy nhanh tốc độ đọc của mình lên, thay vì cố gắng đọc từng chữ, đọc nhẩm thành tiếng trong đầu thì hãy lướt thật nhanh như một tay đua cừ khôi, kiểm soát tốc độ của bạn, thay vì nhẩm hãy dùng mắt để chụp (vì thực tế mắt dùng để chụp hình ảnh). Và kết hợp với thủ thuật đọc đoạn đầu – đoạn cuối của một đoạn văn để nắm ý chính (với sách kinh doanh, kỹ năng), đừng quên dùng ngón tay (hoặc 1 cái bút) lướt trên trang sách để dẫn cho mắt đi nhanh (vì mắt có xu hướng tập trung vào những thứ di chuyển), bạn sẽ đọc nhanh hơn rất nhiều.

Trước tiên cần tính tốc độ đọc của bạn

Tốc độ đọc của bạn là số chữ bạn đọc được trong 1 phút. Để biết được con số này bạn sẽ cần 1 quyển tiểu thuyết đơn giản, 1 cây bút và mở phần mềm bấm giờ trên điện thoại của bạn lên.

  • Bước 1: Đặt đồng hồ 2 phút
  • Bước 2: Đọc với tốc độ thoải mái và dừng lại khi đồng hồ báo hết giờ (đánh dấu vị trí bạn đọc đến)
  • Bước 3: Đếm tổng số chữ trong ba dòng bình thường và lấy con số đó chia cho 3. Đây là số chữ trung bình trong 1 dòng
  • Bước 4: Đếm số dòng bạn vừa đọc xong (chỉ đếm những dòng trải dài ít nhất nửa trang giấy, đừng máy móc quá nhé)
  • Bước 5: Nhân số chữ trong mỗi dòng với số dòng mà bạn đã đọc được (nhân hai con số mà bnaj tìm ra trong bước 3 và 4 với nhau)
  • Bước 6: Lấy con số này chia cho 2 (bởi vì bạn đọc trong 2 phút), đây chính là số chữ bạn đọc được trong 1 phút. Hãy thực hiện quy trình này và viết ra: tốc độ đọc hiện tại của bạn là bao nhiêu….?

Một người trung bình tốc độ đọc là 150 đến 250 từ một phút, tốc độ đọc trung bình của mình khi làm bài tập này ở khoảng 400.

Bài luyện tập đọc nhanh

  • Bước 1: Chọn một cuốn tiểu thuyết đơn giản, dễ đọc. Đọc một cách thoải mái (dùng ngón tay lướt trên trang giấy trong vòng 4 phút. Đặt đồng hồ 4 phút và đọc như bình thương. Khi đồng hồ báo giờ, hãy dừng lại và đánh dấu chỗ bạn đọc đến. Đây sẽ là vạch đích của bạn.
  • Bước 2: Đặt đồng hồ 3 phút. Mục tiêu là đọc đến vạch đích trước khi đồng hồ báo hết giờ. Sau đó hãy cố gắng đọc (đồng thời sử dụng ngón tay lướt trên trang giấy) cho đến khi đến được vị trí bạn đã đọc đến ở bước 1 trong vòng 3 phút.
  • Bước 3: Đặt đồng hồ 2 phút. Đừng quan tâm tới việc hiểu nội dung. Hãy cố gắng đọc đến vạch đích trước khi đồng hồ báo hết 2 phút. Sử dụng ngón tay lướt theo từng dòng chữ. Giữ mắt mình nhìn theo ngón tay với tốc độ nhanh nhất có thể.
  • Bước 4: Thực hiện lần cuối. Đặt đồng hồ 1 phút. Cố gắng hết sức để đọc đến vạch đích trong 1 phút. Đừng bỏ qua bất cứ dòng nào, và lúc này cũng đừng quan tâm đến việc hiểu nội dung.
  • Bước 5: Giờ đây hãy hít thở. Đặt đồng hồ 2 phút. Bắt đầu đọc từ vạch đích và đọc tiếp các nội dung mới. Hãy đọc ở một tốc độ bạn thấy thoải mái và cố gắng hiểu nội dung thông tin. Hãy đếm số dòng bạn đọc được khi hết giờ, rồi chia cho hai, đây chính là tốc độ đọc mới của bạn. Hãy viết ra đây: … từ mỗi phút.

Bạn cảm thấy thế nào sau khi thực hành xong? Mình cảm thấy sướng phát điên vì mình đã đọc nhanh hơn gấp 7 lần, đồng nghĩa mình có thể tăng tốc độ học, nạp thông tin.

Điều này được Jim Kwik lý giải: khi bạn đi xe tốc độ nhanh 65km/h, sau đó bạn đi chậm lại tốc độ 40km/h bạn sẽ thấy tốc độ này rất chậm, nhưng thực tế thì nó không chậm như bạn nghĩ, đây là ví dụ minh họa cho bài tập phía trên kia.

Một vài lưu ý khi đọc sách

  1. Lưu ý đầu tiên: hãy chọn những cuốn sách mà bạn đang cần thông tin để đọc sẽ giúp việc bạn hấp thu nội dung một cách hiệu quả hơn.
  2. Sau khi đọc sách hãy tóm tắt nội dung cuốn sách và chọn ra những điều ấn tượng bạn có thể ứng dụng ngay vào công việc, cuộc sống. Một số câu hỏi để bạn tham khảo:
    1. Liệt kê 3 điều có thể ứng dụng được ngay
    2. Nội dung chính của cuốn sách nói về chủ đề gì?
    3. Bạn có thể kết nối với những thông tin khác như thế nào?
    4. Suy nghĩ của bạn về quan điểm trong cuốn sách (nếu có)?
    5. Câu hỏi của bạn khi đọc sách?
    6. Sách có điểm gì nổi bật?
    7. Ghi chú?
  3. Đọc sách giống như việc luyện tập thể dục: mình thiếp đi ngủ vì não của mình chưa quen với cường độ nạp và xử lý thông tin đó. Nhưng càng về sau này mình càng có thể đọc nhanh hơn, hiểu nhanh, sâu hơn, kết nối các dữ liệu với nhau. Nói chung là phải luyện tập.
  4. Khi đọc sách nhớ cầm theo phương thẳng, nếu để sách trên bàn (như mình) thì mắt sẽ phải nhìn xuống, không tốt cho mắt. Hoặc phải nghiêng người về phía trước, điều này làm gián đoạn dòng oxy trong cơ thể khiến cơ thể mệt mỏi.
  5. Đọc 25-30 phút dừng lại cho mắt, não nghỉ ngơi.
  6. Biến việc đọc thành thói quen của bạn, mình dành mỗi ngày tối thiểu 30 phút để đọc. Và thực sự là trong 9 tháng qua sự nghiệp của mình đã thay đổi một cách chóng mặt, khi mình tích lũy trải nghiệm, cộng với việc bổ sung thông tin quý giá từ những cuốn sách (một cách trò chuyện với những người tài giỏi ở khắp nơi trên thế giới với chi phí rẻ).
  7. Chọn ra 3 cuốn best-seller cùng chủ đề bạn quan tâm, đọc xong bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về chủ đề đó.
  8. Bạn có thể viết blog, hay làm video blog, chia sẻ kiến thức với ai đó – TEACH (dạy) người khác là cách giúp bạn nhớ lâu hơn. Bạn có thể đọc bài về phương pháp BE FAST học nhanh của Jim Kwik tại đây
  9. Đọc thôi! Đặt mục tiêu 100 cuốn sách 1 năm thử xem, chỉ cần đi 1/3 quãng đường đó thôi đã thấy mình trở thành người hoàn toàn khác rồi.

Chúc bạn vui, khỏe, thành đạt, hanh phúc!

Mình thấy mình thật may mắn khi mình đam mê việc học và phát triển bản thân, nên được đọc sách là một trải nghiệm tuyệt vời. Dù đôi khi, có những cuốn sách dày tới hơn 500 trang, vừa đọc mình vừa muốn… xé tan nó ra vì… đọc mãi mà không hết. Nhưng đọc cũng như leo núi vậy, chinh phục từng đỉnh núi nhỏ, não bạn sẽ khỏe mạnh hơn.

Bạn có thể đọc thêm các bài viết về chủ đề: Trường học cá nhân của mình ở đây, Việt Anh sẽ chia sẻ nhiều hơn về việc học với các chủ đề như review sách Học cách học, cách phát triển 12 khía cạnh từ Excellent (xuất sắc) lên mức Extraodinary (Ngoại hạng)