Tại sao có những đứa trẻ có thành tích học tập tốt hơn những đứa trẻ khác?

Tại sao có những đứa trẻ ngày còn nhỏ gặp khó khăn với việc học nhưng lớn lên vẫn thành công? Và thậm chí trở thành những thiên tài?

Tại sao có những người không cần học đại học vẫn rất thành công?

Tại sao? Tại sao? Và Tại sao?

Có rất nhiều câu hỏi về việc học hiện lên trong tâm trí mình suốt nhiều năm qua, vì mình là một đứa ham học hỏi, mình tò mò, thích khám phá, và với việc học mình cũng thích khám phá những điều mình chưa biết, những điều đang diễn ra.

Mình không học đại học, thời sinh viên của mình cũng coi như không có vì ngày đó mình trốn học rất nhiều, mình bắt đầu trốn học ở trường lần đầu tiên là năm lớp 4, cùng một thằng bạn thân, mình vẫn nhớ đó là sáng thứ 2, hai thằng đi chiếc xe đạp khung dựng của nó, đeo khăn quàng đỏ, đi phà qua bên kia sông (ngược đường với những người đang đi học) và đạp xe khám phá một vùng đất mới đến trưa mới về.

Sau đó mình tiếp tục trốn học, và trốn học nhiều nhất năm cấp 3, trốn liên miên, trốn nhiều chắc top đầu của trường và sinh viên thì gần như mình không đi học, chỉ đến trường để làm bài thi, và tất nhiên là đến làm bài thi thì chỉ có chép bài của tụi bạn. May mà mình luôn có những đứa bạn tốt cho mình chép bài, cảm ơn chúng mày giúp tao vượt qua được những kì thi và những năm học tập phổ thông đó.

Dạo gần đây, khi bắt đầu tham gia vào lĩnh vực giáo dục một cách chuyên sâu hơn (từ tháng 10/2020), mình bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn và nhận ra rằng: việc giáo dục phổ thông chưa mang lại kết quả tối ưu cho việc phát triển một con người, hay chí ít là với những cá nhân như mình.

Mỗi con người đều là một cá thể đều là riêng biệt, là độc nhất, họ có những suy nghĩ, hành động, sở thích, tâm lý học, khát khao, mong muốn… khác nhau. Con người không phải là một khúc gỗ, cũng không phải là một con robot, việc sử dụng một chương trình giáo dục phổ thông dành cho tất cả mọi người có khác nào một công xưởng sản xuất công nghiệp, tạo ra cả trăm nghìn sản phẩm giống nhau y đúc?

Thẳng thắn mà nói, mình ủng hộ việc: giáo dục cá nhân hóa.

Và với trải nghiệm cá nhân từ năm 2009, khi kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, mình bắt đầu quá trình tự học ngoài cuộc sống, cũng tham gia các khóa học, đọc sách, có những người thầy chỉ bảo và mình nghĩ ở thời điểm hiện tại mình ý thức được rằng việc học không kết thúc sau những năm giáo dục phổ thông, và việc tự học là vô cùng quan trọng.

Và mình cũng tin rằng (với trải nghiệm cá nhân) bất kì ai cũng có thể tự thiết kế ra những chương trình tự học của riêng mình, có thể tự tạo ra chương trình đại học của riêng mình, là chính mình, phát triển thành phiên bản tốt nhất của chính mình nếu họ được hướng dẫn phương pháp. Và tin vui là có nhiều phương pháp như thế.

Để mình kể bạn nghe thêm một câu chuyện…

Cuối năm 2020, khi đó mình nhận được 1 học bổng lãnh đạo trẻ của viện lãnh đạo ABG (Link), có lẽ trong cả khóa đó (bao gồm cả giảng viên và học viên) thì mình là một trong số ít những người không có bằng đại học.

Mình thấy hơi ngộp khi xung quanh toàn những “siêu nhân”: các bạn học trường chuyên, trường top đầu cả nước, du học Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, người thì ngay còn trẻ đã làm CEO cho những công ty lớn như Vatgia, gíam đốc một mảng nào đó của Vingroup, người học thạc sỹ siêu nhiều… Thầy cô thì học Nga, học Havard… và mình thì không học đại học.

Trời ơi! Một cảm giác rất gì và này nọ, nếu thử tưởng tượng bạn sẽ thấy nó thú vị thế nào. Ở đó mỗi người đều giỏi và rất giỏi một lĩnh vực nào đó, có người giỏi nhiều lĩnh vực, mình nhận ra là hiểu biết của mình hạn hẹp và mình cần phải học đuổi các bạn. Và thế là mình quyết tâm học, ở tuổi 30… Ôi trời ơi!

Nhưng khi bắt tay vào học thì mình gặp vấn đề là: Làm thế nào để học hiệu quả trong khi mình có tiền án tiền sự trốn học từ bé? Đọc sách ư? Cả tháng mình đọc 1 cuốn mãi chưa xong. Đến bao giờ? Đến bao giờ mới có thể mở rộng vốn hiểu biết của mình ra thành hình chữ T như các Thầy Cô nói? Đợi thế này thì lâu quá…

Đây là mô hình chữ T, bạn không chỉ nên biết sâu 1 lĩnh vực, bạn cần kiến thức rộng ở nhiều lĩnh vực (Nguồn ảnh: Fastwork)

Và lúc đó mình bắt đầu hỏi: làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ học?

Mình bắt đầu nghiên cứu về cách đọc sách nhanh, cách đọc sách nhớ lâu, cách đọc sách hiệu quả. Hồi còn nhỏ mình không đọc sách, chủ yếu đọc truyện tranh, đó có lẽ là điều mình nuối tiếc nhất, vì khi hết tuổi sinh viên mình bắt đầu đọc sách thì thấy cả một bầu trời tri thức nhân loại ở đó, mình được mở mang tầm nhìn, hiểu biết rất nhiều với những cuốn sách.

Nhưng khi đọc sách thì mình nhận ra một điều, việc học cần phải có phương pháp. Và có vẻ như tụi bạn học giỏi của mình chúng nó có phương pháp!

Mình đã từng được nghe người ta truyền tai về một vài phương pháp nhỏ, nhưng việc hệ thống hóa lại thành phương pháp học thì chưa có. Và may mắn là mình tìm thấy cuốn HỌC CÁCH HỌC, tên một khóa học trên Masterclass đã giúp cho cả triệu người biết cách làm chủ kỹ năng học cách học.

Sau khi đọc cuốn sách này, mình thấy nó vô cùng hữu ích nên viết một bài chia sẻ sâu hơn với các bạn.

Học cách học
Học Cách Học – Một cuốn sách tuyệt hay về phương pháp học, biết ơn các tác giả, ETS, Alphabooks, Nhà Xuất Bản Thế Giới và dịch giả Liên Hương vì đã xuất bản cuốn sách này tại Việt Nam. Link mua sách trên tiki xem tại đây

Điều mình thích nhất ở cuốn sách này

1) Sử dụng những hình ảnh ẩn dụ dễ hiểu để giúp người đọc hiểu được những kiến thức phức tạp về cách não bộ (hệ thần kinh) hoạt động.

Đây là một cuốn sách trích dẫn những công trình nghiên cứu về não bộ của các chuyên gia tầm cỡ thế giới để ứng dụng vào việc học, nhưng các tác giả (2 trong số đó là Tiến sĩ nghiên cứu về giáo dục, thần kinh học ở Mỹ và 1 người là giám đốc chương trình Học tập và sáng tạo của Anh) đã sử dụng những hình ảnh ẩn dụ rất đơn giản để giúp mọi người (thậm chí một đứa trẻ) có thể hiểu được những gì họ chia sẻ, và ứng dụng trong việc học.

Điều đó cho thấy họ là những chuyên gia hàng đầu về phương pháp giáo dục, vì có nhiều chuyên gia, có nhiều nhà nghiên cứu giỏi, nhưng việc truyền tải thông tin tới người học làm sao cho dễ hiểu, giúp họ tiếp thu và ứng dụng thì không phải ai cũng làm tốt.

Mình thích cuốn sách này vì điều đó: nó đơn giản, dễ hiểu, ai cũng đọc và học được.

2) Một kỹ năng quan trọng nhất mà bất cứ ai cũng cần được chuẩn bị để game phá đảo việc học, yêu thích việc học

Chủ đề rất hay, học cách để học. Như mình nói ở trên, chúng ta đi học mười mấy năm, có người học tới hơn 20 năm (bao gồm cả mầm non tới sau đại học), nhưng không có nhiều người được dạy về phương pháp học.

Tại sao lại có một thứ vô lý như vậy diễn ra?

Không nắm được phương pháp học giống như chơi game mà chẳng hiểu gì về nó, có những người chơi nhanh trí hơn những người khác, có những người chơi chậm hơn người khác – những người chậm (hoặc không có phương pháp), họ gặp khó khăn, họ nản chí, họ không còn hứng thú với việc học, và vô tình cánh cửa về phát triển tri thức, đồng nghĩa với các cơ hội để họ chơi game chơi cuộc đời gặp nhiều khó khăn hơn (với những người được tiếp cận nguồn thông tin mà việc học mang lại).

Tại sao người ta không dạy những người đi học cách học?

Tại sao người ta không dạy những người chuẩn bị hẹn hò cách tìm người bạn đời phù hợp?

Tại sao người ta không dạy phương pháp để làm cha mẹ?

Tại sao người ta không dạy cách phát triển trong sự nghiệp?

Tại sao người ta không dạy về phương pháp để có sức khỏe tốt?

Tại sao người ta không dạy về tiền, cách kiếm, sử dụng, quản lý, nhân bản nó?

Tại sao?

Có quá nhiều câu hỏi tại sao diễn ra trong đầu mình.

Và câu hỏi quan trọng nhất: tại sao người ta không dạy một người bình thường cách để tự học những điều trên? Tự làm chủ những điều trên? Tự thiết kế cuộc đời người ta mong muốn?

Điều gì đang ngăn cản việc mỗi con người được phát triển đúng với con người họ? Nghĩ đến đây mình cảm thấy hoang mang và lo lắng về một thế lực nào đó đang cố gắng ngăn cản và tạo ra thế hệ con người công nghiệp.

Tóm tại là: hãy học cách học, học phương pháp học. Và sau đó thiết kế một cuộc đời bạn mong muốn, rồi mang phương pháp đó đi học tất cả những thứ bạn cần, từ việc thấu hiểu bán thân là ai, mong muốn gì, thành công và hạnh phúc trong định nghĩa của mỗi người và thực hiện điều đó… Đó là cách nghĩ của mình về một chương trình giáo dục cá nhân hóa.

3) Nó viết bằng tiếng Việt và phù hợp với cả một đứa trẻ lẫn phụ huynh.

Mình tin là >80% người Việt chưa từng nghiên cứu về phương pháp học tập hiệu quả một cách chuyên sâu. Và cả những quốc gia khác nữa.

Cuốn sách này là cuốn sách “cần đọc” với các bạn còn đang học (dù ở lứa tuổi nào) và các vị phụ huynh đang có con em đi học (hướng dẫn cho con em về cách học) để giúp việc học trở nên dễ dàng và vui vẻ hơn.

3 điều mình có thể ứng dụng ngay từ cuốn sách này

1) Chế độ phân tán và tập trung

Sai lầm của mình là học nhồi nhét, hồi xưa đi học phổ thông thì lười, trì hoãn (cũng là do mình không biết phương pháp học) đến lúc kiểm tra mới học và việc nhồi nhét không giúp mình nhớ được nhiều.

Theo các tác giả chia sẻ thì việc học (tư duy) là khi các tế bào thần kinh kết nối với nhau hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi liên kết đó cần có thời gian để hình thành vững chắc (việc tư duy, hồi tưởng lại những gì được học khiến chuỗi liên kết thông tin đó vững chắc hơn, tức là bạn sẽ hiểu sâu hơn, ghi nhớ tốt hơn nếu chia nhỏ quá trình học tập, lặp đi lặp lại, chứ không phải nhồi nhét.

Lấy ví dụ như việc học đi xe đạp: không ai tập trong 24h liên tiếp từ sáng hôm nay tới sáng hôm sau mà đi được xe đạp giỏi, học nhồi nhét như thế sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, khiến sợ việc học.

Thay vào đó chúng ta chia ra mỗi ngày một tiếng, ngã lên ngã xuống chúng ta sẽ đi được xe đạp, và sau đó chúng ta tiếp tục đi xe đạp, tới một giai đoạn có thể đi không tay, hay có thể bốc đầu, nhấc đít với chiếc xe đạp của mình (haha, các bạn nam nghịch ngợm sẽ hiểu về những chủ đề này hơn các bạn nữ)

2) Ngủ cũng tốt cho việc học, cần ngủ nhiều hơn

Khi đọc đến đây mình nhận ra sai lầm tiếp theo, có những lần mình ngấu nghiến 1 cuốn sách từ tối tới sáng sớm hôm sau (vì nó hay quá), sau đó mình nhận ra mình chẳng nhớ gì mấy.

Nghiên cứu của các chuyên gia về thân kinh chỉ ra rằng: khi ngủ, thông tin chúng ta mới học sẽ được củng cố, các tế bào thần kinh phát triển, các liên kết chắc chắn hơn và não cũng sẽ loại bỏ những thứ không cần thiết, những độc tố.

Giống như một người bán hàng quán ăn, sau một ngày khách hàng đến đông, rác thải, cửa hàng bừa bộn, họ cần phải lau dọn sạch sẽ để đón những vị khách tiếp theo vào ngày mai, nếu không thì chẳng ai tới vì rác cứ ngập tràn và nhân viên cũng cần được nghỉ để hồi phục sức lực cho ngày hôm sau. Việc học cũng vậy, những kiến thức cũng như cách vị khách, và bộ não cũng giống như nhân sự trong một cửa hàng, cần được nghỉ ngơi.

Mình cần bớt lại việc tham học.

3) Luyện tập, chia nhỏ quá trình,chủ động học tập, chủ động hồi tưởng lại kiến thức, chia sẻ – dạy cho người khác

Ai cũng có thể làm chủ bất cứ kiến thức nào nếu họ luyện tập. Bắt đầu học môn nào cũng giống như đi xe đạp, ban đầu khó, dần dần làm quen, chia nhỏ thời gian ra, không áp lực, chủ động học tập những chủ đề mình cần và cả những chủ đề mình không cần cũng sẽ tốt cho việc kết nối thông tin và có góc nhìn đa chiều (tránh tư duy theo một lối mòn nhất định).

Chủ động hồi tưởng lại kiến thức, kết nối nó với những hình ảnh quen thuộc trong tâm trí giúp ghi nhớ tốt hơn. Ví dụ như mình lấy hình ảnh đi xe đạp để minh họa cho việc học, đó là thứ mà hầu như ai cũng trải qua nên mọi người sẽ rất dễ hiểu, dễ ghi nhớ.

Có 2 loại trí nhớ: ngắn hạn (trí nhớ công việc, tác giả ví nó như cái cặp sách), và dài hạn (tác giả ví như ngăn tủ để đồ có thể chứa được nhiều thông tin hơn).

Não bộ sẽ dễ nhớ hơn nếu chúng ta tập trung, sử dụng các hình ảnh ẩn dụ, kết nối chúng với những thứ thân quen. Mọi người sẽ học được cách ghi nhớ của kỷ lục gia trí nhớ Mỹ về cách anh ta luyện tập cho trí nhớ của mình.

Tóm lại là trí nhớ, hiểu biết có thể luyện tập, không hẳn là thiên bẩm. Và thú vị là người học chậm lại có năng khiếu sáng tạo, làm chi tiết tốt hơn những người có đầu óc nhanh. Và người đầu óc nhanh đôi khi cần phải học cách chậm lại. Thú vị!

Và một ý nữa, cách ghi nhớ tốt nhất, mà mình cũng đang may mắn là được làm đúng nghề này là: chia sẻ lại cho người khác. Bạn có thể viết blog như mình, có thể gặp một đứa bạn kể cho nó nghe. Teach là cách chúng ta học nhanh hơn, nhớ lâu hơn (giải thích theo khoa học não bộ là khi chúng ta dạy, chúng ta phải hồi tưởng lại, chúng ta phải tư duy làm sao để chia sẻ thông tin đó dễ nghe – quá trình đó giúp các tế bào thần kinh kết nối chặt chẽ hơn với nhau, giúp hình thành liên kết chắc chắn, thông tin sẽ được cột chặt trong bộ nhớ dài hạn của chúng ta. Aha! Thú vị!)

4) Đừng chỉ học những thứ bạn đam mê, hãy học cả những môn học khác

Ngoài ra thì tác giả cũng khuyên là nên học cả những môn học không phải đam mê của bạn, nói chung là học bất cứ thứ gì cũng sẽ tốt cho chuyên môn của bạn. Khi làm chủ phương pháp học rồi thì không còn sợ hãi với bất cứ môn học nào nữa, cứ: chủ động học tập, chia nhỏ ra, tập trung và phân tán linh hoạt, sử dụng hình ảnh ẩn dụ kết nối thôn tin, luyện tập, luyện tập, luyện tập, hồi tưởng, chia sẻ nó với người khác.

Mình đang nghĩ tới việc học lại môn toán, lập trình, mình không thích mấy môn học này vì nó logic (mình là người thích học văn, sáng tạo, nghệ thuật, tâm lý học), nhưng chắc sắp tới phải học lại môn toán. Thực tế thì học bất cứ thứ gì ngoài đam mê thì não bộ cũng sẽ kết nối, bổ trợ cho lĩnh vực chuyên môn hay đam mê của chúng ta. Bạn có thể xem hình bên dưới là một minh họa dễ hiểu cho việc thông tin kết nối với nhau. Não bộ phức tạp hơn thế vì có tới hàng tỷ tế bào thần kinh.

Một vài cuốn sách khác mà mình từng nghiên cứu về chủ đề này

Một con số đáng lo ngại là chỉ có 21% người Việt đọc sách trong một năm, và tỷ lệ 1,4 đầu sách/người/năm, thực sự là con số rất đáng lo ngại.

Bill Gates đọc trung bình 50 cuốn sách/năm, Brian Tracy (một tác giả, một tỷ phú người Mỹ) đọc trung bình 3 cuốn trong 1 tuần, 100 cuốn 1 năm trong nhiều năm.

“Số liệu thống kê cho thấy, chỉ có 21% người Việt đọc sách trong một năm và tỷ lệ 1,4 đầu sách/người/năm là rất đáng lo ngại.” – trích từ bài Thúc đẩy văn hóa đọc, nhìn từ công nghệ (xuất bản trên website của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch)

Việc đọc sách giúp cho chúng ta mở mang điểm mù trong tâm trí, khi đó làm gì cũng sẽ đễ dàng hơn. Quý 3 mình đọc gần 30 cuốn sách, và mình trải nghiệm điều đó rất rõ ràng, thu nhập tăng, hiểu biết tăng, chất lượng cuộc sống tăng. Bạn có thể đọc bài viết: Làm thế nào để đọc gần 30 cuốn sách trong 3 tháng của mình tại đây

Như một người mentor của mình nói :”Cái gì bạn không biết sẽ làm tổn thương bạn”.

Một số cuốn sách về chủ đề phương pháp học khác

Dưới đây là một số cuốn sách về chủ đề tự học, đọc sách, phương pháp học mà mình từng đọc, bạn có thể nghiên cứu nhé:

  • Phương pháp học tập không giới hạn – Jim Kwik
  • Đọc nhanh, nhớ lâu, hiểu sâu trọn đời
  • Kỹ năng đọc sách hiệu quả
  • Và đương nhiên rồi: một cuốn sách mà mình sẽ chia sẻ với tất cả những ai đang học “Học cách học” (Learn how to learn) của Barbara Oakley, Terrence Sejnowski và Alistair McConville.

Ngoài đọc sách ra các bạn có thể Tham gia các buổi hội thảo, các khóa học online ở Edumall, Unica, Masterclass, Mindvalley… để học từ những chuyên gia, những người đã nghiên cứu thông tin – đó là cách học từ những người khác.

Chúc bạn làm chủ được phương pháp học và mở ra một chân trời mới cho việc học. Mình hy vọng rằng tất cả mọi người, trước tiên là người Việt mình sẽ học được phương pháp học, đọc nhiều hơn, cuộc sống tốt hơn.

Trần Việt Anh.