Hôm nay mình tham gia buổi học đầu tiên trong một chương trình học bổng về lãnh đạo trẻ trong giáo dục, lắng nghe PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ về chủ đề “Toàn cầu hóa trong giáo dục” và chiều nay mình về nhà anh chị bên nhà vợ ăn tối cùng cả nhà, cuối buổi đó mọi người bàn luận sôi nổi về việc học tập của mấy đứa cháu…

Và đến đêm, mình nhắn tin với chị gái con bác ruột mình về cuộc sống, về việc giúp đỡ những người xung quanh, về những khó khăn thách thức mà cả hai chị em đang phải đối mặt trong cuộc sống… và cả về việc học Phật Giáo Nguyên Thủy.

Tối qua mình cũng vừa kết thúc chương trình Chia Sẻ Digital Marketing Du Lịch miễn phí trong 3 ngày, sáng nay mình chia sẻ tài liệu trong nhóm, có một chị chắc cũng lớn tuổi hơn mình, dù xin tài liệu, nhưng cách nói của chị khiến mình cảm thấy hơi khó chịu, vì cách chị nói giống như đang trách móc mình “chắc quên” gửi tài liệu cho chị, nhưng thực ra mình đã gửi rồi, mà email đi vào trong hòm thư quảng cáo nên chị không nhận được…

Tầm 11h30 phút mình định đi ngủ, thấy đầu óc đang hơi lộn xộn vì một ngày có nhiều thông tin, hơi mỏi người nên ngồi thiền một lúc để tĩnh tâm, tập một bài yoga thư giãn và tĩnh tâm trong 20 phút buồn ngủ, thiếp đi một lúc, rồi mình tỉnh dậy, lướt xem một vài video chia sẻ về Phật Giáo, về phát triển bản thân, nghe một vài video ngắn nhạc rap, xem cách mọi người đang làm content trên social media…

Mình có xem một video của thầy Minh Niệm, của một vài bạn khác, họ chia sẻ điều gì đó trên internet, và mình thấy mình học được ở đó một điều gì đó…

Mình quan sát cách anh chị mình chuẩn bị bữa tối, trò chuyện, mình học được điều gì đó…

Mình là một người yêu thích việc học…

Xong mình kết nối những thông tin đã trải qua trong ngày và nghĩ trong đầu mấy câu hỏi ở bên dưới:

Học để làm gì?

Tại sao chúng ta cần học phải học?

Nếu chúng ta không học thì có ảnh hưởng gì không?

Có rất nhiều phương pháp học tập, giáo dục khác nhau, đâu là phương pháp học tập phù hợp nhất?

Giải pháp nào cho việc học tập ở hiện tại?

Đề xuất ý tưởng về học tập khai phóng và mang tính cá nhân hóa

Học để làm gì? Tại sao mình lại học?

Theo góc nhìn chủ quan của mình mà không lặp lại lời của người khác nói? Một cái gì đó cá nhân, là trải nghiệm của cá nhân? Mà thực tế thì những trải nghiệm cá nhân đó cũng là sự hòa trộn của những gì mình đã trải qua, chứ có phải thứ gì đó thực sự sáng tạo mới?

Với mình thời điểm hiện tại, ngay bây giờ, mình học để:

Mở rộng hiểu biết. Mở rộng hiểu biết để làm gì?

Mở rộng hiểu biết để thấu hiểu bản thân, để là chính mình, để khai phá hết tiềm năng con người mình.

Mở rộng hiểu biết để làm việc hiệu quả hơn, để nâng cao thu nhập, để tự do về tài chính.

Mở rộng hiểu biết để giải quyết được nhiều vấn đề hơn, tạo ra giá trị cho cộng đồng, đóng góp xã hội, làm cho cuộc sống của mình, của những người xung quanh tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, nó là một thứ gì đó bền vững, từ thịnh vượng theo ý nghĩa một cộng đồng với những con người khỏe mạnh – độc lập – tự do – giàu có về cả thể chất lẫn tinh thần.

Mở rộng hiểu biết để chung sống hòa hợp, vui vẻ, hạnh phúc với những người xung quanh, với vợ con, bố mẹ, anh chị em, để đồng hành cùng hành trình phát triển của con cái, của những người em, những người bạn, những khách hàng, những người có duyên gặp nhau trong đời dù thông qua hình thức nào đi chăng nữa.

Mở rộng hiểu biết để sống một cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc? Ừ cũng đúng!

Mở rộng hiểu biết để sống một cuộc sống vắng bóng sự khổ đau: lo lắng, hơn thua, tức giận, ghen ghét đố kị, u mê tắm tối, tham lam, tự cao… Một từ gì đó thay cho từ “làm chủ cuộc sống của mình”, không phải theo nghĩa điều khiển cuộc sống của mình, mà là hòa vào, thuận theo tự nhiên và tâm trí luôn quân bình. Tự do, tự tại, thanh thản, bình an, tĩnh lặng trước mọi hoàn cảnh bên ngoài cuộc sống. Từ chủ động trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống và luôn làm chủ được tâm trí của mình hướng về những điều tốt đẹp.

Theo UNESCO có 4 trụ cột của việc học

Hôm nay trong buổi chia sẻ của cô Hoàng Ánh, cô cũng nhắc tới: Bốn trụ cột của giáo dục, thường được gọi là “Four Pillars of Education,” là một khái niệm được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) đề xuất vào những năm 1990. Các trụ cột này tượng trưng cho các khía cạnh quan trọng của một hệ thống giáo dục đáng tin cậy và phát triển toàn diện của con người. Các trụ cột bao gồm:

  1. Học hỏi để biết (Learning to Know): Đây là khả năng của học sinh trong việc thu thập kiến thức và thông tin, phát triển kỹ năng nghiên cứu và phân tích. Học hỏi để biết khuyến khích sự tò mò và sự sẵn sàng học hỏi. Trụ cột này liên quan đến việc phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, và phân tích.
  2. Học hỏi để làm (Learning to Do): Đây là khả năng ứng dụng kiến thức và kỹ năng để giải quyết vấn đề thực tế và tham gia vào các hoạt động thực tế. Học hỏi để làm khuyến khích sự phát triển của kỹ năng thực hành, kỹ năng xã hội, và kỹ năng nghề nghiệp. Nó liên quan đến việc chuẩn bị học sinh cho cuộc sống và công việc sau này.
  3. Học hỏi để sống chung với người khác (Learning to Live Together): Trụ cột này nhấn mạnh việc phát triển sự hiểu biết, sự đồng cảm, và tôn trọng đối với người khác. Học sinh cần học cách sống chung và làm việc với người có văn hóa, giá trị, và quan điểm khác nhau. Điều này đóng góp vào sự đa dạng và hòa bình xã hội.
  4. Học hỏi để làm người (Learning to Be): Trụ cột này tập trung vào việc phát triển cá nhân và tinh thần. Nó bao gồm việc xây dựng giá trị, đạo đức, và thái độ tích cực đối với cuộc sống. Học hỏi để làm người thúc đẩy sự phát triển tư duy, tình cảm, và sự thấu hiểu bản thân.

Các trụ cột này cùng nhau tạo nên một phương pháp giáo dục toàn diện hơn, nhằm phát triển tất cả các khía cạnh của cá nhân trong một xã hội đa dạng và thay đổi liên tục.

(Đoạn này mình nhờ ChatGPT phân tích và copy luôn cho nhanh)

Nếu chúng ta không học thì sao?

Thử tưởng tượng, nếu trước đây bố mẹ sinh ra mình, và mình chưa từng đến trường, chưa từng đi học? Có điều đó xảy ra không?

Khi sinh ra một đứa trẻ sơ sinh cũng đã học từ Cha Mẹ chúng bằng cách quan sát cách hành xử của Cha Mẹ và bắt chước theo.

Sau đó lớn lên thì học từ cộng đồng xung quanh bao gồm hàng xóm, họ hàng, anh chị em.

Đến trường lớp thì học thầy cô, bạn bè.

Ra ngoài xã hội học từ anh em, cộng sự, từ sếp, từ khách hàng.

Bản chất con người là luôn luôn học hỏi một cách chủ động hoặc bị động (chịu ảnh hưởng) từ môi trường sống xung quanh?!

Hay tưởng tượng là mình không có bố mẹ nuôi dưỡng và mình cũng không sống trong xã hội như hiện tại, mình lạc vào trong rừng và mình tự sinh tồn. Thì có lẽ việc học đầu tiên là để sinh tồn, làm sao để sống trong môi trường đó. Vẫn phải học? Học hoặc phát triển bản năng vốn có của con người là: gặp thú giữ thì phải chạy trốn, hoặc tấn công lại (não động vật).

Trước khi là con người, thì mình là gì? Và mình có học không?

Theo thuyết tiến hóa thì con người và các loài vật khác đều có nguồn gốc tiến hóa từ loài sinh vật đơn bào và trải qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm mới hình thành nên các loài trong đó có con người.

Theo các lý thuyết thờ thần thì con người được tạo ra bởi Thượng Đế.

Và còn rất nhiều các thuyết khác… nhưng ở đây mình đang tìm hiểu về khía cạnh “trước khi có con người thì những sinh vật đang được gọi là con người đây có học không?”. Theo thuyết tiến hóa, hay thuyết độc thần, vô thần… thì con người vẫn học để tiến hóa.

Con người, xã hội, môi trường vẫn luôn học hỏi, thích nghi (với cuộc sống) và tiến hóa.

Nếu một đứa trẻ sinh ra và nó không học gì cả? Cứ cho là mẹ đứa trẻ sẽ nuôi nó đến lúc không còn phụ thuộc nữa, thì nó vẫn phải học cách để sinh tồn. Một con báo, sư tử khi sinh ra, khi còn nhỏ chúng cũng phải học để sinh tồn bằng cách chơi những trận đánh cùng với anh em của mình, sau này lớn lên theo cha mẹ học cách săn mồi. Nếu không có cha mẹ như “tazan người rừng” thì cũng phải học theo những loài động vật khác cách để sinh tồn.

Nên mình nghĩ không thể có việc con người không học.

Và trong cuốn sách “Của cải của các dân tộc” có một câu để lại ấn tượng trong mình là :”Một triết gia và một người bốc vác khác nhau không phải do tư chất mà do cách giáo dục”. Và giáo dục là cả một quá trình.

“Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”, hiện tại để nuôi dạy một đứa trẻ không chỉ cần một ngôi làng (một cộng đồng), mà cần sự tham gia của nhiều cộng đồng khác nhau:

1) Gia đình: bắt đầu (và theo mình quan trọng nhất) là gia đình, là nơi hình thành tính cách cho đứa trẻ ngay từ khi chúng sinh ra. Mình nghe nói 6 năm đầu đời sẽ hình thành tính cách cho một đứa trẻ. Cùng là một đứa trẻ được sinh ra và nuôi lớn, nhưng điều gì khiến những đứa trẻ có tính cách khác nhau? Có phải do “Cha Mẹ sinh con, trời sinh tính”?

Mình không nghĩ thế, nhìn một đứa trẻ và cha mẹ chúng ở góc độ sinh vật, đứa trẻ đó sinh ra và bản năng của chúng là học hỏi từ cha mẹ cách để sinh tồn trong môi trường sống (có thể là một gia đình, một khu rừng, hoặc một ngôi làng, một thành phố).

2) Trường lớp: trong xã hội hiện đại đứa trẻ sẽ được đưa đến trường, và trường học là nơi ảnh hưởng tới tính cách, tới suy nghĩ, hành vi của đứa trẻ. Đứa trẻ học từ thầy cô, học từ bạn bè chúng. Ví dụ: một người học ở trường nghệ thuật sẽ khác với người học ở trường có tính kỷ luật cao như quân đội.

3) Cộng đồng, làng xóm: nơi đứa trẻ sinh sống, những gì đứa trẻ đó tiếp xúc bằng các giác quan (nhìn, nghe, ngửi, chạm, nếm và tưởng tượng) sẽ hình thành nên tính cách và hành vi của đứa trẻ đó.

Ví dụ: ngày bé mình sống ở Hải Phòng, bọn trẻ con chúng mình mới cấp 1 đã tập theo các anh lớn hút thuốc lá, mở miệng ra là chửi bậy, lên tới cấp 1 là lập hội đánh nhau, rủ nhau đi xem phim 18+… Nhưng cũng một đứa trẻ khác, bạn mình, sinh ra bố mẹ là giáo viên và cậu bạn đó học trường chuyên lớp chọn, hiền lành, không biết tới mấy trò nghịch ngợm của tụi mình.

Lựa chọn cộng đồng sinh sống cũng là rất quan trọng.

4) Môi trường làm việc: sau này lớn lên đi làm thì văn hóa nơi làm việc, người làm việc sẽ ảnh hưởng lên hành vi và tính cách của mình. Ví dụ: một bạn đồng nghiệp cũ của mình từng làm việc với sếp có phong cách mắng chửi, bạn ấy cũng ảnh hưởng bởi tính cách đó, nhưng mình thì không làm việc với sếp có tính cách mắng chửi trước đây và mình có phong cách hoàn toàn khác.

5) Xã hội: bước chân ra ngoài đời, gặp gỡ nhiều người, những người mình gặp, mình học hỏi từ học cũng hình thành nên hành vi, tính cách của con người mình.

Tóm lại, mình nhận thấy bản năng sinh tồn và tiến hóa luôn thôi thúc con người học tập và phát triển.

Vậy kiểu gì cũng phải học, tại sao lại không chủ động?

Học tập chủ động và học tập bị động

Mình nghĩ ai cũng đang học, cũng đang tiến hóa, nhưng cách thức thức mỗi người khác nhau. Người học chủ động (VD: quan sát, nghiên cứu tài liệu, đọc sách, đúc kết, đi học ở trường lớp, tìm thầy để học…vv), người học bị động (VD: qua xem tivi, lướt web, mạng xã hội, chơi cùng bạn bè, đồng nghiệp, sống trong môi trường của mình…vv)

Có người lao ra ngoài xã hội để học, nhưng cũng có người thì chọn ngồi im (thiền định) để học.

Có người hào hứng việc học, nhưng cũng có người để việc học diễn ra tự nhiên, hoặc học theo cách khác nhau.

Nhưng cũng có người không chịu học, ví dụ là mình, cũng có lúc nghĩ rằng :”Mình biết đủ rồi”. Đó là giai đoạn u tối nhất. Không học, chỉ thích hưởng thụ, nhưng thực ra là không phải không học, mà vẫn học, vẫn tiến hóa, nhưng là bị động.

Lựa chọn điều gì đây?

Có rất nhiều phương pháp học tập, giáo dục khác nhau, đâu là phương pháp học tập phù hợp nhất?

Mình tin rằng mỗi người là một cá thể khác biệt và có những phương pháp học tập, giáo dục khác nhau, phù hợp với người đó, thay vì việc có một phương pháp chung.

Ở đây học tập là mình muốn nói tới việc học (learn) chủ động từ bên trong của người học, học là một phần của giáo dục.

Giáo dục là nói tới một quá trình hình thành và phát triển của một con người, trong đó bao gồm việc học và dạy.

Nói đến đây thì lại nghĩ tới việc, có nên giáo dục (dạy) ai đó? Và nếu có thì giáo dục như thế nào? Dạy điều gì?

Có lẽ lại quay trở về với mục đích của việc học của mỗi cá nhân (liên quan đến mục đích sống của mỗi người) và mục đích chung của giáo dục.

Giáo dục để phát triển kỹ năng, mở rộng hiểu biết, phát triển cá nhân, phát triển xã hội. Giáo dục là làm cho đời sống của con người, làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Với trải nghiệm của cá nhân, mình tin giáo dục là thấu hiểu, là sự sáng tạo, khám phá, là tiến hóa, là nghệ thuật, là sự phát triển hết khả năng của mỗi con người.

Và mình ước mong một thế giới hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc.

Có thể sẽ có người phát triển cho những mục đích làm lợi cho cộng đồng, cũng có thể không. Đó là sự thật, luôn tồn tại như đêm và ngày, âm và dương. Việc ai thì người đó cứ làm.

Quan trọng nhất là mình lựa chọn điều gì.

Mong ước một xã hội tốt đẹp, hòa bình, thịnh vượng và hanh phúc.

Đề xuất ý tưởng về học tập khai phóng và mang tính cá nhân hóa

Giáo dục là nền tảng để một gia đình, một cộng đồng, xã hội, quốc gia và thế giới phát triển. Mình đề xuất mô hình giáo dục mang tính cá nhân hóa.

  1. Mô hình giáo dục trong gia đình: cha mẹ làm gương cho con cái, cha mẹ phát triển bản thân, cha mẹ mở rộng hiểu biết, cha mẹ nghiên cứu về các phương pháp giáo dục, cha mẹ có tinh thần học tập. Tôn trọng, bình đẳng, không dùng quyền lực để áp đặt, bắt trẻ phải tuân theo trong khi chính mình không thực hiện theo hành vi đó. Lãnh đạo và giáo dục bằng cách “thân giáo” (làm gương), bằng tình yêu thương, sự kiên nhẫn, sự chú tâm, không phải bằng lòng tham con mình sẽ đạt được điều này, điều khác, hay so sánh con mình với con người khác… mà quay trở về mục đích cuối cùng là con mình: khỏe mạnh, thành đạt, hạnh phúc – với đúng tiềm năng/sở trường/sở thích của riêng chúng – không phải theo tiêu chuẩn, hay hình mẫu của xã hội. Gia đình là nơi dạy cho một con người những đạo đức cơ bản để làm người.
  2. Từ những gia đình như vậy, sẽ tạo ra những ngôi làng, những cộng đồng văn minh, bình đẳng, hạnh phúc.
  3. Giáo dục phổ thông là cơ sở giáo dục, đào tạo cũng cùng chung tay với mục tiêu là một môi trường giúp con trẻ (con người) hoàn thiện, phát huy tiềm năng của họ. Bằng cách: giúp mỗi người thấu hiểu bản thân, khám phá tiềm năng tiềm năng và phát triển tiềm năng đó. Trường lớp có thể cung cấp những kiến thức cơ bản mà một con người cần biết, không quan trọng điểm số, không xếp hạng, không giới hạn học sinh mà khích lệ, khai phóng tiềm năng con người họ. Trường lớp tạo môi trường giả lập giúp con người trang bị kiến thức, rèn luyện những bộ kỹ năng cần thiết mà gia đình không đủ điều kiện để trang bị cho con người. Trường lớp thực hiện đúng vai trò là một đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục, đáp ứng nhu cầu của người học, phục vụ người học và kết hợp với gia đình để tạo môi trường phát triển đạo đức. Ở đây học để hiểu mình, học đẻ chung sống.
  4. Mô hình đào tạo sau phổ thông (tập trung đào tạo nghề): giúp con người phát triển chuyên môn sâu về lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với mỗi người. Ở đây mô hình giáo dục khai phóng được ưu tiên, mỗi người sẽ học nhiều lĩnh vực khác nhau (như ngày còn giáo dục phổ thông), nhưng ở mô hình trải nghiệm nghề nghiệp nhiều hơn, chuyên sâu hơn. Và tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển kỹ năng học tập giúp con người phát triển đúng với tiềm năng của mình. Trang bị kỹ năng tự học để tiếp tục hành trình học để làm, để phát triển, để đóng góp cho xã hội.
  5. Các tổ chức, mô hình giáo dục khác sau đại học, không chính quy có thể phát triển chuyên sâu hơn theo nhu cầu của thị trường, để hoàn thiện hệ thống giáo dục, cùng một mục đích chung giúp một người khám phá/khai phá tiềm năng trong con người học và phát triển hết tiềm năng. Hoàn thiện, phát triển trên cơ sở tôn trọng văn hóa, sự khác biệt, bình đẳng, đạo đức, pháp luật.

Mình sẽ tìm cách thử nghiệm mô hình này trong chính gia đình nhỏ của mình, nếu vợ mình, cô ấy đồng ý.

Sáng nay, trong nhóm các thành viên học digital marketing du lịch mà mình chia sẻ, có một anh U50 là kỹ sư công nghệ thông tin đang sinh sống ở Phần Lan chia sẻ bức ảnh này, và mình muốn dùng nó để kết thúc một bài viết tổng kết về một ngày học tập.