Hôm nay ngày 20/11/2022, mình đăng lại bài mình viết vào ngày 13 tháng 10 năm 2020, trong buổi “đi học ở quán bia” cùng anh Nguyễn Cảnh Bình (CEO Alphabooks) và anh Cường (Founder C-Brewmaster, người được mệnh danh là Vua Bia Việt).

Buổi gặp gỡ này được ghi chép và chia sẻ nội bộ trong cộng đồng ABG6 – Thích ứng và vượt qua khủng hoảng, một chương trình học bổng lãnh đạo trẻ cho các bạn từ 22 đến 35 do viện lãnh đạo ABG tổ chức.

Đối với cá nhân mình, chương trình học bổng này là một món quà vô cùng may mắn giúp mình có thêm can đảm để xây dựng lại từ đầu sau lần thất bại khi khởi nghiệp công ty đầu tiên. Và chính buổi ngồi uống bia này đã giúp mình nhìn thấy “Cơ hội trong khủng hoảng” khi được lắng nghe những người Anh, người Thầy đi trước mình vài chục năm chia sẻ câu chuyện của họ, từ đó rút ra được bài học cho cá nhân mình.

Mình dành tặng lại các bạn, và xin phép được giữ nguyên phiên bản gốc vừa đảm bảo tính phù hợp của thời điểm, vừa là một kỷ niệm cho cá nhân mình. Chúc bạn đọc vui và có những bài học hay cho riêng mình. Lưu ý, để có trải nghiệm tốt nhất bạn có thể mở bài nhạc mà mình đã chọn bạn nhé!

(Em xin lưu ý: Để đạt hiệu quả tối ưu nhất, anh chị nên mở đoạn nhạc không lời này trước khi đọc cho vào ạ. Bao giờ nhạc chạy anh chị mới bắt đầu đọc nhé: https://www.youtube.com/watch?v=WDxMas784iY)

Vun bồi một thế hệ ưu tú.

Độc lập.

Tự do.

Hạnh phúc.

Người Việt đã lạc hậu tri thức, lâu rồi!

Kết nối Việt Nam với Tri thức Thế Giới.

Truyền cảm hứng cho lớp trẻ.

Chỉ mong sau này có người giỏi hơn mình.

Đây là một số ý chính trong buổi chia sẻ hai giờ đồng hồ của Anh Cường – Ông chủ thương hiệu bia thủ công số 1 Việt Nam C-Brewmaster và Chủ tịch công ty tư nhân xuất bản sách lớn nhất Việt Nam (người mà ai cũng biết là ai đấy).

1. Bức tranh thanh niên Việt Nam thời kỳ đổi mới (1991): trong nguy có cơ.

Anh Cường và anh Tèo bắt đầu buổi trò chuyện nhanh như chớp, vừa ngồi xuống bàn là cùng nhau nhảy vào phác hoạ lại ký ức thời kỳ trước đổi mới, hai chàng cựu thanh niên nhắc nhớ nhau về tầm nhìn của một bộ phận thanh niên Việt thời kỳ bấy giờ: đi du học các nước XHCN, chỉ mong sau này về có việc làm ổn định, mua được cái nhà và chiếc honda.

Họ trải qua cuộc khủng hoảng khi Liên Xô tan giã, phải đứng giữa sự lựa chọn: cố gắng học để về Việt Nam xin việc làm ổn định hoặc ra phố làm con buôn, và, những người lựa chọn làm con buôn năm ấy bây giờ đều là những doanh nhân rất thành công ở Việt Nam.

Chúc mừng ngày doanh nhân Việt Nam, một bài học lịch sử: trong nguy có cơ.

2. Dám thay đổi, làm mới mình

Được đi học nước ngoài, có ngoại ngữ, anh Cường nhanh chóng nhận được những cơ hội việc làm lý tưởng. Tuy nhiên, anh cũng đã trải qua hành trình từ thợ nấu bia, tới nhân viên kỹ thuật, quản lý và quản lý cấp cao. Anh chia sẻ: 2 năm làm thợ nấu bia anh học được rất nhiều điều quý giá. Sau đó nhờ vốn ngoại ngữ, anh được cất nhắc lên vị trí cao và được cử đi học lần 2 (Đoạn này tự nhắc nhở phải chuẩn bị ngoại ngữ tốt cho giai đoạn tới)

Chung thủy với Calsberg 18 năm từ khi công ty mới vào Việt Nam, sau đấy, vì câu nói của cậu con trai khiến anh quyết định thay đổi môi trường mới, anh Cường trải qua việc xây dựng một nhà máy sản xuất mới từ một khu đất trống, và là người đầu tiên trong tập đoàn (sở hữu Buddwiser) nấu thử mẻ bia đầu tiên chuẩn vị, người đầu tiên được tặng cổ phần.

3. Những chai bia thủ công đầu tiên

Ý tưởng nấu bia thủ công nhen nhóm trong anh từ 2012 sau chuyến đi Bỉ, nhưng phải chờ mãi tới 2015 mẻ bia đầu tiên 20 chai do chính tay anh nấu mới ra đời, sau khi anh nghỉ việc ở tập đoàn.

Với hệ thống trang thiết bị không hại điện, sáng tạo theo phong cách rất Việt Nam (ra phố cổ mua mỗi thứ một ít, nhờ bạn bè ráp lại), những chai bia do chính tay anh nấu trong căn phòng rộng 20m2 đã được những người bạn quốc tế đón nhận, họ truyền miệng nhau về một thứ bia thủ công do một tay người Việt từng làm giám đốc sản xuất cho Calsberg, Budweiser tự nấu.

Đến nay, C-Brewmaster (theo lời anh Cường) đã trở thành thương hiệu bia thủ công số 1 Việt Nam, chuyên phân phối cho những khách hàng ở phân khúc cao cấp. Nhiều vị đại sứ là khách hàng thân quen của C-Brewmaster. Đến nay anh có 4 nhà máy, 5 nhà hàng và hơn 100 điểm bán (con số có thể chưa chính xác, do bia ngon quá em mải uống quên ghi chép).

Có một yếu tố quan trọng trong quá trình thành công của anh Cường: Con Người. Khi xây dựng nhà máy bia cho hãng Budwesier, anh quy tụ được những người giỏi nhất trên khắp cả nước. Và khi làm nhà máy bia thủ công của riêng mình, anh cũng có Người Tài + Có Đất + Có sự ủng hộ từ Địa phương, cộng với đấy anh gặp những Nhân duyên đúng người, đúng thời điểm, cùng cộng hưởng để phát triển.

Anh Tèo và anh Cường nhấn mạnh: Mình làm cái mình giỏi, không mạnh để người khác làm, không nên ôm đồm, tách bạch, mô hình mới, con người mới.

4. Khát khao thương hiệu Việt vươn tầm Châu lục

Gặp anh Tèo, sau 30 năm trải nghiệm ở nhiều vai trò, vị trí khác nhau trong ngành bia, anh Cường chia sẻ: mình cần một khát vọng lớn hơn, đưa bia Việt vươn tầm Châu Á.

Anh Tèo cũng chia sẻ về quãng thời gian 6 năm làm việc ở Tập đoàn dầu khí, những trăn trở mong muốn đóng góp cho xã hội của anh, quãng thời gian phải dừng lại, những dự án về sách, giáo dục, xã hội, kết nối người Việt với tri thức thế giới…vv

Đến đoạn Tầm nhìn, Sứ mệnh thì hai anh bắt đầu khua tay, múa chân, chỉ thiếu mỗi nước vỗ đùi đen đét, nhưng qua ánh mắt, cử chỉ, em đoán họ kết nối được với nhau ở những trăn trở đóng góp cho Cộng đồng, cho Quê hương, Đất nước. Và tất nhiên rồi, cho thế hệ trẻ chúng ta.

Bia có ngon không à? Bia Việt, do người Việt nấu, có sử dụng nguyên liệu Việt, Logo cũng rất Việt, nhưng quan trọng là ngồi trước chính là linh hồn, là câu chuyện lịch sử của những chai bia ấy. Hơi tiếc, dưới góc độ cá nhân em, anh Cường chưa làm Marketing đủ tốt, để kể được câu chuyện của mình, nâng tầm giá trị những trai bia mà anh đang bán.

Tuy nhiên may mắn *thở phào nhẹ nhõm* anh cũng đã gặp các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về tư vấn thương hiệu rồi anh chị em ạ. Xong hôm nay gặp anh Tèo nữa, dự đoán những điều thú vị nữa sẽ đến với C-Brewmaster (Dịch tên là: Cường – Chuyên gia nấu bia).

Anh Cường có tâm nguyện muốn viết sách: chia sẻ về hành trình của mình để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, và chia sẻ kiến thức/kinh nghiệm làm bia mà anh đã tích lũy mấy mươi năm cuộc đời. Cái này đúng nghề của anh Tèo rồi.

Tổng kết

Ý chính em tâm đắc nhất đều đã đặt ở trên đầu rồi ạ, em lan man dài dòng để tường thuật cho anh chị em không tham gia nắm bắt được tinh thần của buổi trò chuyện.

Chốt lại là em cảm ơn anh Tèo. Đám trẻ chúng em cần lắm, mong lắm, có nhiều anh Tèo, anh Cường, để cho chúng em cơ hội được gặp, được lắng nghe, được thấy những “Biển rộng mênh mông tha hồ cá vượt, mây trời lồng lộng thỏa sức chim bay” ạ.

Ghi chép năm 2022

Hồi đó kể chuyện là chính, giờ là năm 2022 thì mình sẽ ghi chép như sau: 3 bài học ứng dụng được ngay sau buổi học thực tế.

1. Trong khủng hoảng luôn có cơ hội, nắm lấy nó: mình đã nắm lấy nó dù áp lực từ tứ phía, từ tình hình dịch bệnh, tới mọi người thân xung quanh. Nhưng bài học từ hành trình đạp xe 11 nước Đông Nam Á dạy mình rằng :”Hãy nghe theo trái tim mách bảo và luôn có những tiếng ồn bên tai, những người xung quanh không là mình, không hiểu mình”. Và điều này đã đúng sau 2 năm.

2. Có ngoại ngữ ở Việt Nam bây giờ và tương lai sẽ luôn nhận được nhiều cơ hội hơn: phần này đã đăng ký khóa học 1:1, kế hoạch đầu năm tới dùng nửa năm là giải quyết xong. Hiện tại thì nhờ bác Google và các bạn giỏi ngoại ngữ hỗ trợ vẫn oke.

3. Nên bắt đầu từ những công việc nhỏ nhât, chi tiết nhất, sau đó phát triển lên, như vậy sẽ có một nền móng vững chắc: mình cũng đã ứng dụng phần này triệt để bằng cách làm hết, làm tất, không lảng tránh. Và điều đó đã cho mình một cái nhìn tổng quan.

Các bạn nhớ order bia C-Brewmaster về uống nhé, thấy bảo ngon hơn bia Bỉ, giá bia tươi 1 lít có 100 – 130k/chai. Link website xem tại đây.

Chia sẻ từ các thành viên trong Hội đồng viện và anh chị em bạn dì đồng môn
Những con người đã truyền cảm hứng cho mình, biết ơn nhân duyên được gặp gỡ mọi người!!!