Một bạn trẻ người Việt hơn 20 tuổi cùng 2 người bạn nữa đã chạm mốc doanh thu $2.000.000 chỉ với dịch vụ làm content cho các doanh nghiệp địa phương ở Canada, mình học của bạn ấy cách làm hình ảnh media và nhanh chóng video của mình chuyên nghiệp hơn rất nhiều.

Một bạn trẻ khác nữa đang học IT ở Mỹ và bạn ấy chia sẻ cách thức ứng dụng AI làm content, bạn ấy phát triển doanh nghiệp chỉ với 1 người, nhưng vẫn có hơn 30.000 người follow, rất trẻ, hơn 20 tuổi.

Một bạn trẻ khác nữa, năm vừa rồi đã tạo ra doanh thu $1.000.000 chỉ với việc bán khóa học về copywriting, chỉ với một mình.

Thực sự ngỡ ngàng khi các bạn trẻ ngày càng giỏi!

Thực sự ngỡ ngàng!

Và khi tham gia các buổi chia sẻ của các bạn ấy mình thấy :”Trời đất, tại sao mình lại không ở đây sớm hơn?”

Tâm lý lười làm, lười học, lười cập nhật… đã nhốt mình trong chiếc hộp của mình biết bao lâu. Mình cứ nghĩ là mình biết hết rồi, mình cứ nghĩ là người trẻ các bạn có gì để học… nhưng thực ra là mình đã nhầm.

Các bạn ấy trẻ, nhanh nhẹn trong việc cập nhật, tư duy cởi mở dễ tiếp thu và ứng dụng những thứ mới mẻ, tò mò, sáng tạo… Họ là người đã tạo ra Thế giới mới.

Yahoo! đã từng không coi trọng Facebook – một start-up trẻ cho tới khi bị đối thủ mới hạ gục.

Sáng nay mình gặp một chủ doanh nghiệp trẻ, thành lập công ty năm 24 tuổi, đến nay được 5 năm và bạn rất cởi mở học hỏi, bạn chủ động trong việc tìm chuyên gia, bạn khao khát để phát triển doanh nghiệp của mình, bạn nghiên cứu những người đi trước xem hướng đi họ đã làm là gì, và có điều gì cần cải thiện… và bạn tìm những chuyên gia giúp bạn giải quyết vấn đề của mình…

Nếu tiếp tục giữ đà tiến lên đó, bạn sẽ nhanh chóng tạo ra những thứ rất thú vị.

Thời buổi hiện nay: công nghệ đã tạo ra một thế giới phẳng, nơi mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau, miễn là chúng ta có ứng dụng được và tốc độ học hỏi/thích nghi/ứng dụng của chúng ta thế nào.

Tới giờ thì điều mình lo sợ nhất là một ngày nào đó mình cho rằng mình biết đủ rồi, cho rằng mình không cần học thêm nữa.

Cái tâm lý thủ cựu đó là một phần “di sản” để lại của văn hóa Nho Giáo, gia trưởng vẫn còn tồn tại trong xã hội, trong các tập thể, trong gia đình, trong mỗi cá nhân – như lời của Giáo sư Phạm Quốc Vượng đã viết năm 1991 (cách đây hơn 30 năm mà tới ngày nay mình vẫn thấy nó còn đúng):

“Xã hội Việt Nam truyền thống cũ có nhiều nét hay, vẻ đẹp nên ở cạnh nước lớn, bị xâm lăng, đô hộ, đè nén hàng ngàn năm vẫn trỗi dậy phục hưng dân tộc, “trở thành chính mình”. Nhưng xã hội quân chủ – nông dân – nho giáo từ sau thế kỷ XV có nhiều “khuyết tật trong cấu trúc” – nói theo các nhà khoa học hôm nay:

Ở trong NHÀ thì có thỏi GIA TRƯỞNG, tuy tâm niệm “con hơn cha là nhà có phúc” mà vẫn không thích “ngựa non háu đá”, “trứng khôn hơn vịt”.

Ở trong LÀNG thì có nạn CƯỜNG HÀO, với tinh thần ngôi thứ, chiếu trên, chiếu dưới, “miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”.

Ở trong VÙNG thì có nạn SỨ QUÂN, thủ lĩnh vùng thích “nghênh ngang một cõi”, gặp dịp là sẵn sàng “rạch đôi sơn hà”.

Ở cả NƯỚC thì có nạn QUAN LIÊU, quan tham nhũng, tân quan tân chính sách, luật không bằng lệ, kiện thì cứ kiện nhưng “chờ được vạ má đã sưng”, nên chỉ cứng đầu thì dại, “không ngoan” nhất là “luồn cúi” và trí thức “lớn” thì cũng tự an ủi “gặp thời thế thế thời phải thế”. Vì ngoài thì “bế môn toả cảng”, trong thì “chuyên quyền độc đoán”, cho nên sĩ khí ắt phải bạc nhược.”

Tự dặn lòng mình rằng phải bỏ cái Tôi xuống, học, học từ cô con gái nhỏ của mình, học từ cành cây, ngọn cỏ, học từ những người mình gặp, ai cũng có thứ hay để “học, học, học nữa, học mãi”.

Đối diện với sự thật là bên trong mình còn nhiều điểm yếu, thiếu để học và hoàn thiện.

Tổng kết sau khi thấy 3 câu chuyện của 3 bạn trẻ hơn 20 tuổi, tạo ra cả triệu $…

Mong là có nhiều bạn trẻ như thế và được học hỏi từ các bạn trẻ như thế!

Trần Việt Anh

Founder 10X Tourism Business & Wonderful Vietnam